Để hiểu Đức Phanxicô, phải hiểu các tu sỹ dòng Tên


 

 

 

 


 

Nhận định là một trong những từ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô lặp đi lặp lại nhiều nhất, đặc biệt là những khi nói chuyện với chủng sinh và linh mục. “Khi một tu sỹ dòng Tên nói “nhận định” là họ dùng một từ có truyền thống linh đạo phong phú trong Dòng Tên,” cha Brian Reedy, Dòng Tên, cho biết.

Cha Reedy là tuyên úy của Hải quân Trù bị Hoa Kỳ, và đang học bằng tiến sỹ thần triết học ở Đại học Giáo hoàng Gregoria. Cha giải thích rằng nhận định là điều mà thánh Inhaxiô thành Loyola, Đấng sáng lập Dòng Tên, đã nhấn mạnh rõ ràng trong Linh Thao, nòng cốt linh đạo của Dòng Tên.

Thật vậy, trong Linh thao, thánh Inhaxiô đã hai lần nói rất dài về cách nhận định cho đúng, về ý nghĩa, những giới hạn và quy luật để nhận định. Vậy nhận định trong tâm thức của tu sỹ dòng Tên là gì, những quy luật để nắm bắt nó, và làm sao để chúng ta dùng khái niệm “nhận định” để hiểu Đức Giáo hoàng Phanxicô?

Các quy luật của nhận định theo thánh Inhaxiô

Điều đầu tiên phải lưu ý về nhận định, là thánh Inhaxiô đã phân rõ nhiều loại người, giải thích rằng có những quy luật khác nhau cho những người có đức tin mạnh và yếu.

“Nếu bạn là một người sống cuộc đời mà Thiên Chúa không thật sự hiện diện và các giáo huấn của Giáo hội không quan trọng là bao, thì có những nguyên tắc nhận định dành riêng cho bạn. Nhưng ngược lại, với những ai sống đức tin nghiêm túc… thì lại có những nguyên tắc khác để họ nhận định. Một sự phân biệt nữa là giữa những đối tượng thích đáng và không thích đáng, nghĩa là những sự bạn có thể nhận định và những sự bạn không thể nhận định.”

Về tranh luận hiện thời về hôn nhân, cha Reedy nói rằng trong linh thao của thánh Inhaxiô, ngài nói cụ thể về nhận định trong hôn nhân sau khi bạn giao ước hôn phối là “một điển hình cho những sự bạn không thể nhận định chiếu theo quy tắc.

” Điều này là bởi, “sau khi kết hôn, có thể bạn không còn nhận định đúng theo quy tắc về việc có kết hôn hay không, bởi bạn đã ra quyết định kết hôn rồi, nên nó không còn là một đối tượng thích đáng nữa.”

Điều có thể nhận định, là liệu cuộc hôn nhân đó có giá trị không.

“Bạn có muốn tiếp tục cuộc hôn nhân không, là một câu hỏi không thuộc về với nhận định,” cha Reedy cho biết. “Với thánh Inhaxiô, câu hỏi này không có ý nghĩa, nó vi phạm tiến trình nhận định thay đổi tình trạng cuộc đời mà bạn đã tự mình giao kết.”

Với chức linh mục và đời sống tu sĩ cũng thế, thánh Inhaxiô xác quyết như vậy, “bởi một khi bạn ra quyết định giao kết đó, thì nhận định của bạn là làm sao để sống giao kết đó.

Đấy mới là điều bạn thật sự nên nhận định, nhận định là áp dụng giáo lý và giáo huấn cho cuộc sống thực tế của ai đó. Vậy nên nhận định là thực tế hóa suy nghĩ trừu tượng.”

Còn có những “nguyên tắc hướng dẫn” nhất định giúp nhận định cho đúng.

Một trong những luật của thánh Inhaxiô là không bao giờ có thể nhận định về tội, và ngài đưa ví dụ về tội sát nhân.

“Bạn không thể nhận định về tội sát nhân. Thật vậy, khi vờ như nhận định việc chọn thực hiện một hành vi tuyệt đối xấu xa là vi phạm tiến trình nhận định”

Nhận định là xem có hay không thực hiện hành vi đó, bởi “nếu bạn và gia đình đang bị đe dọa ngay lúc đó, thì người ta có thể nhận định trong khoảnh khắc liệu có thể thực hiện hành động đoạt mạng không.”

Về thần học luân lý Công giáo, cha Reedy nói rằng nhận định nằm giữa “cái được cho phép” và “cái mang tính biến đổi”, và nằm trên những dấu hiệu được phép của “cái bị cấm.”

Những thứ bị cấm thì không thể nhận định được, bạn chỉ muốn được giải thoát khỏi chúng mà thôi. Từ điểm này, nhận định đi từ những thứ được ưng thuận đến những thứ mang tính biến đổi sâu sắc và dấn thân vào thế giới như Chúa Kitô.

“Giữa những gì được phép và những gì biến đổi, có nhiều nhận định về các khả thể không đi ngược lý luận, Thiên Chúa hay Giáo hội. Có thể người ta không bao giờ nhận định được giữa tốt và xấu, nhưng chỉ có thể nhận định được giữa những sự tốt tương đối.

Một trong những nguyên tắc của nhận định thường bị lãng quên, đó là nguyên tắc hướng dẫn “nghĩ cùng với Giáo hội.” Điều này nghĩa là “dù bạn nhận định gì, thì bạn không chỉ nghĩ về luật luân lý, mà còn nghĩ về Giáo hội.”

Đức Phanxicô là một người bắt rễ trong truyền thống Dòng Tên

“Đức Phanxicô hoàn toàn bắt rễ trong truyền thống Dòng Tên, và là một con người của linh thao.” Cha Reedy nói rằng khi nói về Đức Giáo hoàng, cha luôn nói, “anh có thể nghe thấy linh thao trong những lời của ngài.”

Khi nghe Đức Giáo hoàng Phanxicô, “bạn có thể nghe thấy một tu sỹ dòng Tên đã chiêm niệm cuộc đời Chúa Giêsu.” Phong cách huấn giáo của Đức Phanxicô “rất giống với Chúa Giêsu,” thường đưa ra những câu trả lời đa chiều cho các câu hỏi.

Chúa Kitô đã làm thế, “để tránh kiểu chủ nghĩa vị luật chỉ muốn một câu trả lời cụ thể nhằm bóp méo nó theo cách nào đó,” trong khi nhận định là “bạn không quan tâm đến luật vì luật, mà điều bạn quan tâm là tìm ra những sự mang tính biến đổi nhất, thánh thiện nhất, và chân thật nhất.”

Về căn bản, “điều bạn phải luôn luôn tìm kiếm, chính là tinh thần của luật, là tại sao lại có luật, luật là gì, và nó cố làm gì? Chúng ta có thể giúp người ta biết luật là gì, tại sao chúng tồn tại, và làm sao để giúp người ta thực thi một hệ thống luật góp phần thúc đẩy sự thánh thiện, và sự trưởng thành của họ theo Chúa Kitô.”

Cha Reedy nói rằng, cha thấy có một vấn đề trong Giáo hội hiện nay, là có những người mượn danh nhận định, mà diễn giải các hành động của Đức Giáo hoàng là xấu xa. “Tôi không bao giờ thấy những lời Đức Phanxicô nói theo kiểu như thế, bởi theo tôi, từ nền tảng đào tạo của ngài, tôi thấy ngài đang cố đào tạo mọi người lý luận luân lý cho đúng đắn, đi từ những thứ được phép đến những thứ mang tính biến đổi, giúp mọi người hành động theo một cách có thể hơi rối rắm, nhưng lại giúo họ không vượt qua lằn ranh những chuyện bị cấm.”

Nhưng còn sự mơ hồ của của Đức Phanxicô? Đấy cũng là đặc tính của Dòng Tên sao?

Một phần những chuyện mơ hồ quanh Đức Phanxicô, là vì ngôn ngữ của ngài có thể thường mơ hồ và khôn cụ thể, khiến người ta vò đầu bứt tai cố xác định thật sự ngài có ý gì.

Nhưng với cha Reedy, đây không phải là phẩm chất của tu sỹ dòng Tên cho bằng là một giới hạn riêng của Đức Giáo hoàng.

“Đức Phanxicô không phải là người phức tạp. Ngài là một thần học gia rất rõ ràng, nên tôi nghĩ sự mơ hồ và không rõ ràng đó là từ nền tảng đào tào riêng của ngài, một điều mà Giáo hội phải kiên nhẫn lắng nghe.

Và nếu suy niệm trong kinh thánh, chúng ta thấy rằng Đức Giáo hoàng dùng một phong cách rất giống với Chúa Kitô, nhất là khi Chúa nói chuyện với những người “mang thái độ Pharisiêu.

Khi ngài thấy ai đó hỏi một câu có ý dồn ép ai đó, thì ngài sợ điều đó sẽ làm tổn thương họ, thì ngài cản liền. Đức Phanxicô rất nhạy cảm.Và Chúa Kitô cũng vậy, Chúa Kitô dùng những lời rất nặng cho những người thử ngài. Dù cho có thể nói những người Pharisiêu là những người rất thành tín, nhưng họ có vấn đề về cách nhìn nhận luật, họ xem luật là chính yếu và nhu cầu của dân là hàng thứ yếu. Và Chúa Giêsu đã thách thức họ, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng vậy.

Tôi nghĩ người ta nên thôi vờ như Chúa Giêsu lúc nào cũng nói rành rành trắng đen. Nhiều lần Chúa Giêsu nói những lời mơ hồ một cách có chủ đích. Chúa dùng dụ ngôn để những người đó không hiểu, chính Ngài đã nói thế.

Nhưng Chúa nói rõ ràng về những vấn đề quan trọng, chẳng hạn như về Phép Thánh Thể, khi ngài nói “đây là thịt Ta, hãy ăn và uống máu Ta.”

Vậy nên, với Đức Phanxicô, người ta phải hiểu cách rao giảng giống Chúa Giêsu của ngài.”

Nhưng “tôi thấy người ta có lạm dụng sự mơ hồ của Đức Giáo hoàng, và chúng ta cần phải làm cho nó rõ ràng hơn.

Nói thế không có nghĩa chúng ta có sự rõ ràng ngay lập tức, nhưng phải rõ ràng với những vấn đề phức tạp nhất định. Chúng ta cần xác định giới hạn khi nói rằng chúng ta không nói về việc li dị của người Công giáo.

Đây không phải là chuyện riêng về ai đó phá vỡ hôn nhân có giá trị, chống lại lời Chúa Giêsu mà xem đó là chuyện có thể hủy bỏ, và cứ thế bắt đầu một cuộc hôn nhân mới và nói rằng đó là chuyện bình thường.

Chúng ta không chỉ nói về chuyện đó…và tôi không nghĩ Đức Giáo hoàng chỉ nói về chuyện đó, bởi nếu nhìn vào các nguyên tắc nhận định của thánh Inhaxiô thành Loyola thì tôi không nghĩ đó là chuyện được nhận định.

Nên tôi tin chắc rằng Đức Giáo hoàng không ủng hộ chuyện li dị kiểu đó, và tôi nghĩ chúng ta cần làm rõ hơn, nhưng đừng vội vàng làm rõ theo kiểu để thấy tự hào về mình. Điều chúng ta cần làm, là bảo vệ sự thật, để chúng ta được nên tốt lành.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịchh