Nikki DuBose: Trong địa ngục của kỹ nghệ người mẫu

 

 

 

 -

Nikki DuBose kể câu chuyện thoát khỏi địa ngục kỹ nghệ người mẫu

fr.aleteia.org, Louise Alméras, 2018-03-06

Nikki DuBose, 32 tuổi, trở về từ xa. Sau nhiều năm ở trong thế giới người mẫu và một tuổi trẻ lắm giao động, cựu người mẫu Mỹ kể làm thế nào cô thoát ra khỏi một tình trạng có thể đưa cô đến cái chết. Và Chúa có mặt trong tiến trình này không phải là chuyện lạ!

Vào lúc mà các công ty người mẫu lớn có những buổi trình diễn thời trang trên thế giới trong tuần lễ Fashion hoành tráng thì cựu người mẫu Nikki DuBose vén lộ mặt trái của kỹ nghệ này. Trong địa ngục kỹ nghệ người mẫu, cô kể làm thế nào cô có đủ can đảm để thát khỏi tình trạng chán ăn, rời khỏi môi trường lợi dụng cô và làm thế nào cô đặt lòng tin vào Chúa.

Aleteia: Tại sao cô quyết định bỏ công việc trong lãnh vực thời trang?

Nikki DuBose: lúc tôi 25 tuổi, sau mười năm trong nghề, tôi quyết định phải ra đi, vì về mặt thể lý tôi không thể tiếp tục làm việc. Tôi bị chứng chán án về mặt tinh thần sau khi bị chứng ăn quá độ trong vòng 17 năm. Tôi kiệt lực về thể lý, xúc cảm, tinh thần và thiêng liêng, tôi trở thành trống rỗng vì tôi đã dốc hết sức hết lực cho sự nghiệp. Tôi là người cầu toàn và tôi đẩy cơ thể của mình đến chỗ cùng cực. Mỗi lần các nhân viên của công ty người mẫu, các nhiếp ảnh gia, các khách hàng đòi hỏi tôi phải xuống cân, tôi không ăn kiêng cũng không tập thể dục. Thay vào đó, vì các rối loạn tinh thần (rối loạn ăn uống, trầm cảm và nghiện ngập…vv.), tôi tự hủy hoại mình và đổ bệnh. Tôi dùng cái gì cũng quá liều, tôi quá đầu tư vào công việc… cho đến kiệt sức. Tôi ói mửa mười lần một ngày, tôi không ăn cả tháng. Tôi muốn mình là người mẫu đẹp nhất, do đó sức khỏe tinh thần cũng như cơ thể của tôi phải trả cho cái giá này. Năm 2012 mẹ tôi qua đời vì nghiền. Lúc đó tôi biết tôi phải ngừng nghề mẫu. Tôi bị bệnh và nếu tôi không được giúp tôi sẽ chết. Trong thế giới người mẫu không một ai có thể giúp tôi, tôi phải là người quyết định: “Đủ rồi, vậy là đủ rồi!” (Enough is enough).

Trong quyển sách cô nói đến đức tin. Đức tin đã vực cô dậy như thế nào?

Tôi được nuôi dạy trong giáo phái Báp-tít và tôi học ở trường đạo. Nhưng cảm nhận của tôi có về Chúa bị méo mó rất nhiều vì các lạm dụng tình dục và tâm lý tôi phải chịu khi còn nhỏ. Vào thời đó, tôi không tin Chúa hay tin bất cứ một ai có thể săn sóc tôi. Tôi có một người bảo mẫu dễ thương đã dạy cho tôi biết Chúa là tình yêu. Và điều này luôn ghi khắc trong lòng tôi dù tôi xa đức tin và Giáo hội. Theo tôi, Ngài là tình yêu dù lúc đó tôi rơi vào ma túy, rượu, bệnh tâm thần và cuộc sống về đêm náo động. Một nơi nào đó, trong tận sâu thẳm tâm hồn, tôi luôn nhớ những đoạn Sách Thánh mà bà bảo mẫu đọc cho tôi nghe. Những giọt hy vọng nhỏ này kéo tôi ra khỏi vùng đen tối. Nhất là quyển Thánh vịnh. Khi tôi bị bệnh tâm thần rất nặng (trầm cảm, tự hủy hoại, bị loạn tâm thần vv.), tôi nghĩ tôi không còn tự đứng vững. Tôi cố gắng và cố gắng để được khá hơn nhưng không thành công. Trong tất cả những năm này, nhiều lần tôi đã ở tận đáy vực và cuối cùng, tôi khám phá một ý tưởng Sức mạnh Tối thượng qua chương trình mười hai bước (giống chương trình AA chủ yếu dựa trên tha thứ). Mẹ tôi đã theo chương trình này và chương trình này giúp tôi bắt đầu tin ở Chúa. Khi mẹ tôi qua đời, tôi đủ tin tưởng ở Chúa để hiểu con đường của tôi dẫn tôi đến một mục đích. Tôi không thể bỏ con đường này và chết. Nếu tôi bỏ thì chuyện gì sẽ xảy ra cho đời tôi? Không có gì. Vì thế tôi kiên trì và tiếp tục. Trong tang lễ mẹ tôi, tôi nhớ vị mục sư đã đọc đoạn sau: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa -, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một hy vọng (Gr 29, 11)”. Lúc đó tôi đã mất sức khỏe, mất mẹ, mất sự nghiệp. Nhưng tôi cảm thấy đức tin dâng lên trong lòng tôi, tôi mong tận hiến đời tôi để giúp người khác. Ngày hôm đó, tôi xác quyết Chúa sẽ chữa lành cho tôi. Ngài đã giúp tôi đi tiếp tục trên con đường này để tạo cảm hứng nơi người khác. Và nhất là khi viết quyển sách này, tôi thấy Ngài chữa lành thể xác tôi, tôi ngưng các thứ tôi nghiện, tôi tập trung rất nhiều về tình yêu Ngài cho tôi và tôi có sức mạnh để tiếp tục.

“Phải xuống cân, phải luôn luôn thon thả”: mệnh lệnh tối thượng của kỹ nghệ người mẫu đã hủy hoại đời tôi.

Cô có tha thứ cho tất cả những ai đã làm tổn thương cô được không?

Mới đầu tôi không có khả năng tha. Tôi tức giận, cay đắng, bực tức và buồn bã. Tôi thấy mình là nạn nhân. Tôi sống trong tình trạng này: “Tôi không thể thay đổi, tôi cư xử như vậy vì người ta đã làm cho tôi khổ khi tôi còn nhỏ, khi tôi làm người mẫu”. Nhưng tất cả các cảm nhận tiêu cực này đã giam hãm con người tôi; tôi không làm sao có thể tha thứ. Tôi được tháp tùng để tôi có thể xin Chúa giúp tôi tha thứ cho những người đã làm cho tôi bị tổn thương và tôi cũng phải tha thứ cho tôi. Vì tôi cũng đã làm thương tổn người khác vì cách sống của tôi. Tôi không ý thức được chuyện này. Xin họ tha thứ là điều quan trọng đối với lương tâm của tôi, cho sự chữa lành của tôi, cho sự tăng trưởng của tôi. Tâm hồn tôi luôn trên con đường cải tiến. Tôi thích nghĩ là tôi đã có ý thức về cách mà tôi đối xử với người khác, tôi có khả năng tha thứ và buông bỏ. Giận dữ là thuốc độc, không một ai hoàn hảo và nếu chúng ta giữ khía cạnh tiêu cực thì chúng ta chỉ làm khổ mình. Một trong những chuyện khó khăn nhất của tôi là các quan hệ tình cảm và yêu thương. Tôi phải học, tình yêu là chuyện có thể có được nếu mình tha thứ và nếu mình mở lòng ra để yêu thương và để được yêu thương. Phải rất cẩn thận khi mở lòng ra vì điều này rất mong manh. Là người đang thuyên giảm trong việc lệ thuộc vào tình dục, lại là người đã từng bị lạm dụng, những chuyện mà tôi vẫn còn chiến đấu, tôi phải đặt hết tầm quan trọng vào sự tin tưởng. Trong khi chờ đợi, tôi còn phải làm việc từng ngày về vấn đề này, chính yếu là trong giao tiếp và đây là một công việc thường xuyên.

Từ khi cô xuất bản quyển sách, cô có thấy các dấu hiệu thay đổi tích cực trong kỹ nghệ người mẫu không?

Tôi ngưng làm người mẫu từ năm 2012, và đã có nhiều chuyện thay đổi kể từ đó. Instagram đã cất cánh, kéo theo sự bùng phát của một số lớn khuôn mẫu và người mẫu danh tiếng. Vào thời của tôi là theo kiểu xưa: “Bạn đem hồ sơ lý lịch cá nhân đến cho chúng tôi xem”. Tôi rất vui về sự đa dạng về mặt thân thể hiện nay. Bây giờ người ta khuyến khích các người mẫu với các khiếm khuyết, các khác biệt, hồi tôi làm việc thì không bao giờ có như vậy. Đó là điều rất thiết yếu. Tôi chỉ sợ đó là một khuynh hướng chứ không phải là một thay đổi đã có được. Theo tôi điều quan trọng nhất là kỹ nghệ người mẫu phải quan tâm đến vấn đề sức khỏe tinh thần mà các người mẫu có thể gặp phải. Một người mẫu có vẻ lành mạnh, sắc vóc thể lý tốt nhưng họ cũng có thể có những vấn đề mà họ không có được một sự giúp đỡ nào. Chúng tôi rất hiếm khi nghe những gì xảy ra bên trong nội bộ của các công ty người mẫu, trừ khi có những chuyện khủng khiếp xảy ra. Các tạp chí hay các hãng thời trang nên dùng các sáng kiến khi làm các trang bìa, các buổi trình diễn thời trang để nhấn mạnh đến tự tin, đến nét đẹp bên trong. Chúng ta có thể hình dung ảnh hưởng của những chuyện này trên các bạn trẻ sẽ lớn như thế nào. Mỗi người phải hiểu con người đích thực của họ là con người nào. Khi Chúa tạo dựng ra họ, Chúa đã đập vỡ cái khuôn. Chúng ta phải thấy sắc đẹp nội tâm, lòng tự tin, tinh thần và trí tuệ chúng ta nhiều hơn trong các quảng cáo vì đó mới thật sự là các gia tài đích thực của mình.

Vì sao cô có đức tin vào Chúa và có đức tin vào Chúa đã thay đổi cuộc đời cô như thế nào?

Tôi có đức tin vào Chúa vì tôi thấy Ngài đã làm việc trên cuộc đời của tôi. Từ một cô gái bị tuyệt vọng, bị gãy đổ đang sắp chết và bây giờ tôi được thuyên giảm là một bằng chứng sống. Tự sức tôi, tôi không thể làm được chuyện này. Tôi tin, vì tôi biết Chúa yêu thương tôi đến độ nào, và từ đó mới là sắc đẹp thật của tôi.

Trong địa ngục của kỹ nghệ người mẫu, một kỹ nghệ hủy hoại, Nikki DuBose, nxb. Rocher, 2018.

Hiện nay cô Nikki DuBose tham gia vào nhiều hiệp hội, cô chiến đấu để mọi sự thay đổi. Cô đang theo học ngành tâm lý và lên chương trình viết quyển sách thứ nhì về tâm lý tội phạm.

Marta An Nguyễn dịch

n

h