Linh mục quản nhiệm Svanera giải thích việc Thánh Antôn Pađua được nhiều người mến mộ

 

 

 

By
acistampa.com, Di Simone Baroncia, 2017-06-12

 


 

Ngày 13 tháng 6 là ngày kính Thánh Antôn Pađua, người khi 15 tuổi đã vào tu viện. Năm 1219 ngài chịu chức linh mục và lấy tên Antôn. Ngài đi rao giảng ở miền Bắc nước Ý và ở Pháp. Năm 1227 ngài về miền Bắc nước Ý và rao giảng tại đây. Ngày 13 tháng 6-1231, ngài ở Camposampiero và cảm thấy không khỏe, ngài về Pađua và qua đời tại đây. Ngay lập tức, sau cái chết của ngài, tiếng tăm của ngài lan ra bên ngoài nước Ý.

Để hiểu vì sao ngài được giáo dân mến mộ lớn lao như vậy, chúng tôi hỏi linh mục Oliviero Svanera, quản nhiệm đền thánh Antôn Pađua.

Sự mến mộ Thánh Antôn Pađua thật sự có tầm mức hoàn vũ, vì ngài xem toàn thế giới như nhà của ngài. Ngài sinh ra ở Bồ Đào Nha, đến Marốc để mang đức tin đến đây, đến đảo Sicile nước Ý vì có vụ đắm tàu, rồi ngài đến vùng vịnh, đến Axixi với Dòng anh em Phanxicô, sau đó ngài được gởi đi Pháp. Khi ngài trở lại Ý, ngài ở Pađua và qua đời tại đây năm 1231. Ngài nói một ngôn ngữ có cả ngàn dấu hiệu, được mọi người cùng hiểu. ngài gần với mọi người: người nghèo, người thiếu thốn, người bệnh. Trong tinh thần “anh em của mọi người”, đó là tính cách hoàn vũ của ngài, ngài là bạn của tất cả các Quốc gia trên thế giới, vượt ra ngoài các quốc tịch, văn hóa và ngay cả tôn giáo, vì Thánh Antôn được cả những người không theo đạo công giáo tôn kính.

Để mừng lễ Thánh Antôn Pađua, có nghi lễ Tredicina để mừng kính ngài, nghi lễ này là gì?

Chữ Tredicina có nghĩa là 13 ngày suy niệm từ 31 tháng 5 đến 13 tháng 6 để chuẩn chuẩn bị về mặt thiêng liêng mừng kính ngày kính Thánh Antôn Pađua. Mỗi ngày, các tín hữu thành kính cầu bàu ngài qua lời cầu nguyện đặc biệt. Nghi lễ Tredicina dâng kính Thánh Antôn Pađua là dựa trên lòng thương xót của Chúa Cha. Đó là những ngày hành hương tại đền thánh của những người hành hương cá nhân hay đi từng nhóm và đền thánh chúng tôi là nơi được xem như nơi hành hương thế giới vì trong những ngày tôn kính và cầu nguyện này, có rất đông người từ trên khắp thế giới về đây.

Có một truyền thống là “Bánh mì Thánh Antôn”, đâu là ý nghĩa của truyền thống này?

“Bánh mì Thánh Antôn” có nghĩa là bác ái. Gốc rễ truyền thống này là từ một trong các phép lạ của Thánh Antôn ở Tommasino. Một em bé 20 tháng bị chết đuối trong một vũng nước. Bà mẹ tuyệt vọng khấn với Thánh Antôn: Nếu con của con sống, con sẽ cho người nghèo bánh theo sức nặng của con của con. Và em bé được sống. Phép lạ này là nguồn gốc của hai tổ chức từ thiện theo tinh thần Thánh Antôn Pađua: trước hết là tổ chức Bánh Opera mang thức ăn cho những người đang thiếu thốn và săn sóc những người gặp khó khăn; sau đó là tổ chức không vụ lợi Caritas Antoniana hoạt động trong nhiều nước trên thế giới. Năm 2016 tổ chức này đã tài trợ cho 124 dự án phát triển trên 40 nước trên thế giới với số tiền là 2.640.000 €. Thánh Antôn Pađua vừa là nhà rao giảng, vừa là người làm việc bác ái, có phải đó là sự rao giảng ngày hôm nay cho một Giáo hội đi ra ngoài không?

Phúc Âm và đức ái là hai hòn đá tảng của bài học của Thánh Antôn. Bài giảng của ngài đánh động tâm hồn của nhiều người. Điều này có được là nhờ gương mẫu và đời sống khiêm nhường của ngài học từ Mẹ Maria. Thánh Antôn Pađua rất kính mến Đức Mẹ. Ngài rao giảng Phúc Âm, phải vượt lên cám dỗ của quyền lực, của kiêu ngạo, những cám dỗ mà bây giờ Đức Phanxicô gọi là cám dỗ của đời sống thời thượng, một đời sống hời hợt bên ngoài. Qua tình thương của mình, Thánh Antôn Pađua đã lo cho người nghèo, người sống bên lề, người bệnh, người sống đơn độc, người thất nghiệp, người tị nạn, người di dân, người bị tù. Tín hữu kitô chúng ta, như Thánh Antôn Pađua dạy, phải đi ra khỏi chính mình để rao giảng Chúa Kitô bị đóng đinh, đi theo ngài trong tinh thần khiêm nhường, một tinh thần khiêm nhường đích thực, khiêm nhường của tình yêu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch