Tự tử của các linh mục: “Một hành vi mang tính biểu tượng nặng nề”

 

Tự tử của các linh mục: “Một hành vi mang tính biểu tượng nặng nề”

 

“Khi nhắm để đi theo một khuôn mẫu vượt ngoài chúng ta, thì cuối cùng sự mong manh sẽ chụp lấy chúng ta” | © pxhere.com

cath.ch, Grégory Roth, 2018-10-26

Bị nghi là có “hành vi không tương ứng”, hai linh mục Pháp tự tử trong vòng một tháng. Làm sao giải thích một hành vi này của một người là linh mục? Nữ nhà văn nhà báo Christine Pedotti và cha xứ Joël Pralong đưa ra các yếu tố để trả lời.

Ngày 22 tháng 10, Đức Giám mục Jacques Blaquart tuyên bố trong một buổi họp báo: “Đây là một giai đoạn thử thách đau khổ và bi thảm”. Ngài nêu ra các bối cảnh đã làm cho linh mục Pierre-Yves Fumery, 38 tuổi, thuộc giáo phận của mình tự tử hai ngày trước đó. Vì có “các hành vi không thích đáng với trẻ vị thành niên 13, 14 tuổi”  và bị giáo dân cảnh báo”, một “gần gũi cơ thể” và “hành vi không thích ứng với một cô gái trẻ mà linh mục ôm trong tay và nhiều lần đưa lên xe”.

Cũng một việc tương tự, ngày 18 tháng 9, Đức Giám mục Dominique Lebrun, giáo phận Rouen loan báo cho báo chí biết linh mục Jean-Baptiste Sèbe, 38 tuổi cũng tự tử. Linh mục Sèbe bị một phụ nữ tố cáo có hành vi sỗ sàng và tấn công con gái đã trưởng thành của bà. Người phụ nữ 21 tuổi không tố cáo, một điều tra sơ bộ về vụ tấn công tình dục này đã tiến hành.

“Một trong hai người là bạn của tôi”

Nữ nhà văn nhà báo Pháp Christine Pedotti nói với trang báo Công giáo Thụy Sĩ, cath.ch: “Đây là một thảm kịch. ‘Đầu óc tôi rối tung’, chữ này còn nhẹ với vụ tự tử của hai linh mục này. Thêm nữa, một trong hai là bạn tôi. Lại thêm cả hai đều 38 tuổi, giống như nhân vật ‘cha xứ làng quê’ (nhân vật chính của tiểu thuyết cũng 38 tuổi, độc thân, cha xứ làng quê). Một bạn chủng sinh của Linh mục Jean-Baptiste Sèbe – đã rời chủng viện – nói với tôi khi nghe tin, ông cảm thấy buồn vô tận: ‘họ chọn cái chết hơn là phải đối diện với cuộc sống’”.

Làm sao giải thích một hành vi như vậy nơi một linh mục? Cha Joël Pralong, tác giả một quyển sách nói về tự tử nơi người trẻ, bề trên chủng viện giáo phận Sion nhận xét: “Hành vi tự tử không bao giờ là một chọn lựa. Hành vi tự tử là vì cảm thấy thất vọng sâu đậm, bằng mọi giá muốn gạt đi sự đau khổ này để mong cuối cùng có được bình an.”

Sự mong manh của con người

Cha xứ Pralong giải thích: “Như tất cả mọi người, người linh mục trẻ cũng mong manh. Thêm nữa, linh mục trẻ phải làm việc trong một thế giới đáng sợ. Ước mong mình là gương mẫu nên đôi khi đã làm cho đương sự phủ nhận tính người của mình. Tôi thường thấy một sự cứng ngắc nơi một vài linh mục trẻ – về giáo điều, về đạo đức, về cách ăn mặc -, thường là để che giấu sự mong manh của họ. Khi nhắm để đi theo một khuôn mẫu vượt ngoài chúng ta, thì cuối cùng sự mong manh sẽ chụp lấy chúng ta. Kèm theo là các vấn đề tình dục không được xử lý đúng của chúng ta. Đó là hình ảnh làm vỡ ra.”

Theo nhà văn Christine Pedotti thì ơn gọi hiếm hoi đã đặt linh mục lên bệ thờ: “Chúng ta cho họ là những người được chọn! Nếu bạn có một cái nhìn lý tưởng hóa về chính mình, làm thế nào mà bạn không sụm đi khi nhận ra mình không ở tầm cao theo hình ảnh mình đưa ra?”

Trong vòng mật thiết của linh mục

Đối với nhà văn nhà báo trí thức Pedotti thì chúng ta nghĩ sai về dục tính của các linh mục. Trước hết phải tự hỏi về sự mật thiết của họ: “Đời sống gia đình cũng không bảo vệ cho mình khỏi tự tử, nhưng nó là tường thành để đương cự với một đời sống phi nhân tính. Mọi người đều cần một bờ vai để dựa lên”.

Cha Joël Pralong nói tiếp: “Đối với linh mục, sự cô đơn là khủng khiếp, đôi khi họ muốn tự giải quyết các vấn đề của mình để không phá đi hình ảnh của họ. “Trong bối cảnh chung của các vụ lệch lạc tình dục trong Giáo hội, chúng ta trở nên người tôn trọng pháp chế. Bất cứ hành vi nhỏ nào cũng thành nghi ngờ. Các giám mục bị thử thách khó khăn. Cũng may là không phải tất cả mọi người đều bị vướng vào bầu khí tôn trọng pháp chế, họ tiếp tục nâng đỡ và cùng đồng hành với các linh mục của mình, dù những người này bị nghi ngờ đúng hay sai”.

Nghi ngờ là thuốc độc

Đứng đầu Hiệp hội công giáo của những người đã chịu phép rửa tội vùng nói tiếng Pháp (CCBF), bà Christine Pedotti luôn đấu tranh để Giáo hội “có được minh bạch nhất” cả trong lãnh vực lạm dụng tình dục lẫn tai tiếng ấu dâm. Khi không có được minh bạch thì nghi ngờ sẽ đè nặng lên hình ảnh của người linh mục, và khi đó nó sẽ trở thành thuốc độc. Và cuối cùng thì làm cho mọi người bị lẫn lộn chung”.

Bà Christine Pedotti nói tiếp: “Dù các ứng xử lệch lạc này được xác nhận hay không, thì không ai mong muốn cái chết của một linh mục. Việc một linh mục tự tử mang tính biểu tượng nặng nề. Điều này muốn nói, mình không tha thứ cho chính mình”.

Linh mục Pralong nhắc lại: “Trong ơn gọi tận hiến, trước hết sứ mạng đầu tiên của linh mục không phải là tìm cách để được người khác yêu. Nhưng là chứng nhân tình yêu của Chúa cho tất cả mọi người. Điều này trước hết mình phải chấp nhận mình là người mong manh. Khi mình chưa chấp nhận các yếu đuối của mình thì mình không thể tha thứ cho chính mình”.

Tiếng chuông báo động

Đối với bà Christine Pedotti, điều đáng buồn duy nhất rút tỉa được từ thảm kịch này là từ nay Giáo hội có một cái nhìn sáng suốt về sự cấm đoán quan trọng là cấm đoán tự tử. “Trong các buổi họp báo, các giám mục đã rất rõ ràng về bối cảnh của thảm kịch. Họ thẳng thắn nói. Chúng ta có thể hình dung người thân của hai linh mục trẻ tự tử sẽ không còn sợ bị Giáo hội phê phán khi Giáo hội đề nghị cùng đi với họ trong đau khổ này”.

Về phần mình, linh mục Pralong đau buồn: “Các vụ tự tử của các linh mục này là tiếng chuông báo động’. Một tiếng kêu báo động vang tận đến các giám mục và sẽ không bao giờ im. Tất cả những gì xảy đến cho chúng ta ngày hôm nay làm cho chúng ta mang tính người hơn. Và nhắc chúng ta nhớ, Giáo hội ở đó để mang đến cho chúng ta một con đường nhân bản hóa. Chúa Kitô đã nói: Phải từ bỏ mình để theo Ta. Từ bỏ bản thân không phải là từ bỏ tính người của mình, nhưng là từ bỏ những gì ngăn chúng ta thực hiện tính người này”.

Linh mục Joël Pralong tháp tùng các chủng sinh ở địa phận Sion | © Bernard Hallet

Bà Christine Pedotti, nhà văn, nhà báo, giám đốc nguyện san “Chứng nhân Kitô”

Marta An Nguyễn dịch