CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

Hãy trỗi dậy lên đường!

Đây không phải chốn nghỉ ngơi

(Mk 2, 10)

 

 

 

 

 


Đời là một con đường: đường đời. Sống là bước vào một cuộc hành trình tiến về phía trước. Cái gì rồi cũng qua đi, chẳng nên nuối tiếc sầu bi hay háo hức tự mãn làm gì. Còn biết bao điều linh thiêng cao quí đang chờ đợi ta trên con đường phía trước. Đừng nặng lòng với quá khứ dù đau buồn hay vui sướng, sáng ngời hay u ám, thành công hay thất bại... Tất cả dù thế nào đi nữa thì cũng sẽ góp phần cho kinh nghiệm sống của mỗi người chúng ta. Chỉ nhìn về quá khứ với những vẻ vang sẽ làm ta mê man trong hiện tại; hoặc chỉ nhìn quá khứ với những đau thương sẽ làm ta chán chường và thất vọng về tương lai.

Cuộc sống đẹp ngời chỉ mở ra cho những ai đang khao khát sống và sống tích cực. Bình minh rực rỡ trong ngày mới chỉ ban tặng cho những bước chân phấn khởi lên đường. Thiên nhiên bao la và không gian vô tận chỉ dành cho những người muốn say mê khám phá về Thiên Chúa, con người và chính mình. Khung trời tươi sáng ở trong chính tâm hồn mình, đừng che lấp nó bằng những phản ứng tầm thường, bâng quơ và vô hồn. Hãy mở lòng ra để đón nhận cuộc sống mới bằng trái tim mới, với đôi mắt hồn nhiên đã gạn đục khơi trong.

1. Xa rời dĩ vãng

“Dĩ vãng chỉ là một mớ tro tàn” (Carl. Sandburg). Nếu cứ mãi cay đắng và oán hận về những gì đã qua, khác gì bới lại đống tro tàn. Tại sao lại cứ phải kìm giữ mình trong thái độ đó? Ai cũng có những bất trắc và khốn đốn xảy ra trong quá khứ, nhiều khi rất đau thương và chết lịm cõi lòng. Chúng ta không giảm thiểu những tai ác đó, nhưng trên hết và bằng mọi cách không để nó thành một trở lực làm khép kín cõi lòng, mà biến nó thành một trợ lực cho cuộc sống hiện tại. Đừng bào chữa, đừng đổ lỗi, đừng hợp lý hóa và biện minh cho thái độ tiêu cực của mình. Bắt nhặt người khác hay chấp nhất nghịch cảnh thì chính mình cũng trở nên như vậy, chẳng giải quyết được gì mà còn tầm thường hóa chính mình.

Hãy tập nhìn quá khứ như một kinh nghiệm nhất thiết cần phải có trong đời mình, để phong phú hóa bản thân và kiện toàn cuộc sống. Chắc chắn đó cũng là điều Chúa muốn, để chuẩn bị cho mỗi người trong hoạch định sắp tới của Ngài, một hoạch định mà dường như không ai có thể biết trước. Chỉ biết chắc rằng đó là hoạch định của tình yêu thương, luôn mở ra cho ta những niềm vui bất ngờ, nếu ta biết đón nhận và vượt qua những chướng ngại với lòng tin tưởng và phó thác.

Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy một thái độ rất hay của vua Đavít (x. 2Sm 12, 16-23): khi con ông bị đau nặng có nguy cơ tử vong, thì ông đau buồn cực độ. Ông khóc lóc, ăn chay, nằm đất, không tắm rửa, không cạo râu, không làm gì khác, chỉ biết van xin Chúa cứu chữa con mình. Cuối cùng con ông cũng đã chết, triều thần không biết phải nói thế nào với Đavít, vì sợ ông sẽ đau buồn đến tuyệt vọng. Nhưng lạ thay, khi biết tin con mình đã chết, thái độ của ông làm cho tất cả mọi người kinh ngạc. Ông chỗi dậy, đi tắm rửa, xức dầu thơm, thay quần áo, sai người dọn bữa ăn cho ông. Quần thần thắc mắc vì sao thái độ của ông lại trái ngược như vậy? Ông đã trả lời: “Bao lâu đứa bé còn sống, ta ăn chay và khóc lóc vì ta tự bảo: Biết đâu Đức Chúa sẽ thương xót ta và đứa bé sẽ sống! Bây giờ nó chết rồi, ta ăn chay làm gì? Hỏi rằng ta còn có thể làm cho nó trở lại được không? Ta đi đến với nó, chứ nó không trở lại với ta.” (2Sm 12, 21-23).

Quả là một bài học sáng giá về đời sống đức tin cho mỗi người. Thay vì tiếp tục cay đắng hoặc buồn trách Chúa đã phụ lòng mình thống thiết kêu xin; thay vì đặt ra câu hỏi tại sao Chúa lại làm như thế với tôi tớ Ngài, thì ta cần biết đón nhận với tấm chân tình và thái độ an vui của lòng tin, vẫn hy vọng ngay trong thất vọng, mạnh dạn đứng lên sau những tang thương để khởi sắc lại cuộc sống hiện tại. Một con người luôn đặt mình ở trước mặt Chúa thì không để mình rơi vào thái độ thường tình, nông nổi, nhưng chọn lựa một cách thái hiện diện cao đẹp nhất trong mọi tình huống.

Nếu ta không rời bỏ quá khứ đau thương là tự trói buộc mình cách vô lý, là đặt mình trong tình trạng u mê, là hư vô hóa hiện tại và tương lai của mình, hoặc trong một mức độ tác hại thấp nhất đi nữa thì cũng làm cho ta không còn khả năng đáp ứng một cách hào hứng trước những cung ứng đầy tính sáng tạo và mới mẻ mà Chúa đang dành cho ta một cách rất riêng biệt.

Trong một trình thuật Kinh Thánh khác, phản ánh ngược lại với trường hợp của vua Đavít, đó là trường hợp của bà Lót. Khi sắp hủy diệt thành Sôđôma, Chúa đã căn dặn trước rằng: “Ông hãy trốn đi để cứu mạng sống mình! Đừng ngoái lại đằng sau, đừng dừng lại chỗ nào cả ...” (St 19, 17). Nhưng rồi vì tò mò, hoặc vì tiếc nuối gia sản của một thời đã bao công sức làm ra, nên “Bà vợ ông Lót ngoái lại đằng sau và hoá thành cột muối.” (St 19, 26).

Đó là trường hợp bà Lót không nghe lời Chúa, nhưng chúng ta có thể coi đó như một biểu tượng đầy ý nghĩa cho những ai cứ muốn quay về quá khứ hay muốn làm sống lại dĩ vãng. Hậu quả của lối sống đó khiến tâm hồn dễ bị cứng đọng và đóng băng, không còn khả năng linh động và sức sáng tạo nhạy bén trước hiện tại.

2. Thoát khỏi những dạng thức của quá khứ

Nhập vào dòng chảy của xã hội và luôn bị tác động bởi lối sống trần tục, ta dễ có nhiều ý tưởng sai lầm về bản thân và cuộc đời: tưởng rằng có thể đạt được tất cả những gì mình muốn; tưởng rằng chiếm hữu càng nhiều càng chứng tỏ tài năng và bản lãnh; tưởng rằng thành công là đã làm nên giá trị đời mình; tưởng rằng giá trị bản thân tùy thuộc những gì mình sở hữu, v.v... Đứng trước những quan niệm phàm tục này thánh Phêrô đã cảnh giác những tín hữu sơ khai, và nhắc cho họ biết, nhờ bửu huyết của Đức Kitô, họ đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông truyền lại (1Pr 1, 18-19). Thay vì rập khuôn theo lối sống cũ của thế gian, họ phải vượt thoát nó để sống con người mới trong Đức Kitô (x. 1Pr 5, 17).

Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi sự lầm lạc, tối tăm, và đặt chúng ta trong sự thật. Chúng ta đã được chữa trị khỏi bệnh mê muội và ảo tưởng về chính mình và thế giới này. Trong Đức Kitô, gánh nặng quá khứ của bản thân ta cũng không còn nữa. Ta không còn đơn giản là sản phẩm lịch sử của chính mình, vì đã được Kitô hóa. Kinh nghiệm sống với Đức Kitô sẽ cho ta sức mạnh thiêng liêng khiến ta dám đối đầu với với những khó khăn để tự giải thoát mình khỏi những dạng thức của quá khứ, và mở ra những viễn tượng mới.

Nhiều người bị điều kiện hóa bởi những kiểu cách sống của gia đình, cộng đoàn, xã hội, và những người chung quanh: người ta suy nghĩ và sống như thế, nên mình cũng phải như vậy. Suy nghĩ như thế nên không dám bộc lộ tâm tư và tình cảm của riêng mình, không muốn có những cách thức và sáng kiến riêng, càng không thể thay đổi lối sống mà mình cảm thấy tốt hơn. Hơn nữa vì sợ sai lầm nên ta không dám tin vào phán đoán riêng của mình, và cứ như thế, tự hạ thấp nhân phẩm và trấn áp bản thân mình để vừa lòng người khác. Cứ tưởng như vậy là ổn thỏa, là đang sống tự do, không cần đặt lại vấn đề. Nhưng rồi một cách vô ý thức, ta lệ thuộc lối sống của người khác, không còn thể hiện được tính cách chân thật của mình. Phải chăng đó là một “thảm kịch của nhân cách”?

Nhiều khi chúng ta cũng mắc vào những lệch lạc đó ngay cả trong đời sống tôn giáo. Chúng ta muốn chu toàn ý Chúa nhưng vẫn buông mình theo những quan niệm tầm thường. Chúng ta nhận biết Chúa, tin Chúa, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện với Chúa hằng ngày, nhưng vẫn sống và hành động theo lề thói và kiểu cách của người đời, theo “lối sống phù phiếm do cha ông truyền lại”. Hóa ra những việc thờ phượng và đạo đức mà chúng ta làm chỉ là hình thức và thói quen. Chỉ khi có kinh nghiệm về Chúa và thấm đậm tình yêu của Ngài, chúng ta mới dám làm cuộc cách mạng bản thân. Sống trong sự hiện diện và dưới cái nhìn của Chúa, chúng ta mới đánh giá đúng mức về thực tại, và thôi không làm nó trở nên u ám bởi những lối sống cũ kĩ của mình.

Thánh Têrêsa Avila đã cảm nghiệm rõ ràng, tình yêu Đức Kitô đã giải thoát bà khỏi những lo sợ và ưu tư trước đó. Bà không còn áy náy xem những gì mình đã tiến hành có đúng không, không còn băn khoăn xem người khác nghĩ gì về mình. Kinh nghiệm về tình yêu Đức Kitô đã dìm đắm bà trong sự bình an và tự do nội tại, không còn xao xuyến về những gì đã qua, vì bà đã không tìm kiếm điều gì khác cho mình, mà chỉ sống như mình phải sống với tất cả tình yêu. Bà sống được như vậy là vì cảm thấy Đức Kitô luôn kề cận bên mình.

3. Tiến bước và trở thành

“Ngựa quen đường cũ”, chúng ta cũng dễ bị cám dỗ quay về với đường xưa lối cũ, nhất là khi gặp những chặng đường gay go. Nhưng cuộc sống là một sự tiến bước và trở thành. Phía sau giờ đây chỉ còn là trống vắng và hoang vu. Dĩ vãng dù có thành hay bại, được hay mất, thì Khổng Tử cũng dạy ta rằng: “Thành sự bất thuyết; toại sự bất gián; ký vãng bất cữu”: việc đã thành chớ nói lại; việc đã xong chớ can gián; việc đã qua chớ trách cứ.

Ta không thể mãi u hoài về một quá khứ đau thương, cũng không thể mãi gặm nhấm hạnh phúc của một thời sung túc đã qua. Thái độ sống đó làm ngưng trệ sự tiến bước, hoặc phải bước đi một cách nặng nề. Như vậy thì còn gì là “hưng phấn” của đời mình, một cuộc đời đang tiến bước trở thành, đầy vui mừng và hy vọng. Hãy rời bỏ lối sống tiêu cực và thụ động đó để mặc cho mình một tính cách mới. Hãy tích cực đứng lên và chủ động trở thành con người mà Chúa muốn trên con đường hoàn thiện. (x. Mt 5, 43-48). Đừng tìm cách tránh né và rút lui trong những tình cảnh mà Chúa muốn ta vượt qua. Đã được lãnh nhận một cuộc sống trong đức tin do lòng thương xót Chúa, chúng ta chỉ có đường tiến, không có đường lui. Dù có lui cũng là để tiến. Bất cứ một sự lùi bước hay thất vọng nào đều là một từ chối ân ban và lừa dối chính mình. Cứ mở rộng lòng để đón nhận tất cả những gì Chúa ban cho ta trong mọi thời khắc, dưới mọi hình thức dù thuận lợi hay bất lợi, và tìm cách kiện toàn nó trong mức độ tốt nhất có thể.

Đừng để quá khứ thống trị hiện tại và xác định tương lai, dù đó là một quá khứ vẻ vang. Dựa vào đó để đề cao mình trong hiện tại là tự mãn một cách ấu trĩ; hoặc dựa vào đó để định giá cho mình một tương lai thì quả là ảo tưởng. Giây phút nào thì ở vào giây phút đó. Mỗi giây phút qua đi, mỗi sự kiện diễn ra đều mang tính đặc thù và ý nghĩa thiêng liêng. Nó đánh dấu cho từng giai đoạn cuộc đời theo kế hoạch của Chúa. Không thể lấy giờ phút này để xác định cho giờ phút kia. Mỗi khoảnh khắc đều mới trước cái nhìn và cách thức hành động của Chúa trên cuộc đời ta, mời gọi ta luôn thức tỉnh để nhận biết và hoàn thiện mình trong từng giây phút hiện tại. Đành rằng, cuộc đời ta hôm nay là đặt trên nền móng những gì mình đã làm nên trong quá khứ, nhưng nếu chỉ có thế thì vẫn còn dở dang. Mọi dự phóng vẫn đang ở phía trước. Nếu không rời bỏ những cái cũ thì Chúa không thể đem đến một cái gì mới được. Cuộc sống là một tiến trình hoàn thành“cho đến khi đạt tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.” (Ep 4, 13).

Léo Buscaglia, một con người tràn đầy sức sống và tình yêu, cũng đã nêu lên nhận định: “Sống là một tiến trình năng động. Vì thế, nó chào mừng bất cứ ai đón nhận lời mời để trở nên một thành phần năng động của nó. Điều mà chúng ta gọi là bí quyết hạnh phúc chung qui chỉ là thái độ chúng ta sẵn lòng chọn lựa sự sống”. Nhận định này đã đi vào qui luật của đời sống: để tồn tại và phát triển đến mức độ cao nhất, đòi buộc người ta phải thực hiện một tiến trình đổi mới. Điều này không chỉ ứng dụng vào con người, mà còn nhất thiết ở nhiều loài vật. Chẳng hạn, khi theo dõi đời sống con chim ưng, người ta khám phá như sau:

Chim ưng có thể sống tới 70 năm. Nhưng để đạt tới tuổi này, nó phải tiến hành một quyết định rất khó khăn. Vì vào năm 40 tuổi, các móng vuốt dài của nó và dẻo của nó không còn có thể quắp lấy con mồi. Hơn nữa, chiếc mỏ dài và sắc bén của nó đã bị cong lại, còn đôi cánh già nua và nặng nề do bộ lông quá dày đã dính vào ngực, khiến nó bay rất vất vả.

Trước tình trạng đó, chim ưng chỉ còn hai lựa chọn: hoặc chịu chết, hoặc làm một tiến trình thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày. Để chọn lựa sự sống, đòi buộc nó phải bay lên một đỉnh núi cao và ngồi vào tổ của nó để thực hiện công việc trẻ hóa chính mình:

Trước tiên, chim ưng gõ mỏ vào tảng đá cho tới khi mỏ bị gãy ra. Sau đó, nó phải chờ một thời gian để mọc ra cái mỏ mới. Tiếp theo đó, nó bắt đầu bẻ gãy các móng vuốt, và lại tiếp tục chờ cho các móng vuốt mới mọc ra. Cuối cùng, chim ưng nhổ đi tất cả các lông lá già cỗi, để chờ thay thế bằng bộ lông mới. Sau 5 tháng đã hoàn toàn đổi mới, chim ưng bay lượn chào mừng cuộc tái sinh của chính mình, và sống thêm 30 năm nữa.

Có thể sự sống tinh thần của chúng ta đã già nua, cằn cỗi, nặng nề, và càng ngày càng bị bít kín trên chính mình. Có thể đời sống tâm hồn chúng ta đã bị lão hóa và do bị xói mòn qua các biến cố và thời gian. Những suy thoái đó khiến cuộc đời chúng ta như đang chết dần mòn. Để chọn lựa sự sống và trẻ hóa tâm hồn, chúng ta phải can đảm loại bỏ ký ức tăm tối, lối sống thủ cựu, những thói quen già cỗi, những tư tưởng lạc hậu, những tập tục vô hồn, v.v... Chỉ khi đã thoát khỏi những khối nặng của quá khứ, chúng ta mới có thể tiến bước và trở thành. Hiện tại đang mở ra trước mắt chúng ta, là chính sự hiện diện của Chúa, Đấng đang tiếp sức và làm nên sự đổi mới sau cùng của mỗi người. Nhưng tất cả lại tùy thuộc vào chính mình.

4. Tất cả tùy thuộc vào chính mình

“Người ta chỉ có thể bị tổn thương bởi chính mình” (Épictète). Thánh gioan Kim Khẩu cũng đã viết một bài mang tựa đề: “Không ai có thể bị tổn thương, nếu không phải do chính mình”[1].Quả  nhiên,  những  tư  tưởng  lớn  thường  gặp  nhau. Thật ra, ta không thể tránh những tổn thương do người khác gây nên cho mình khi còn nhỏ, vì lúc đó ta không có khả năng tự vệ. Nhưng điều bất ổn về sau là mỗi khi ta nhớ lại những điều đó, thì lại nhức nhối tâm can. Đừng quên rằng, hiện tại mình vẫn có khả năng làm hòa với chúng và có thể tự giải thoát mình khỏi tâm trạng bị tổn thương.

Theo thói thường, người ta hay có xu hướng nuôi dưỡng những tổn thương đó, cứ tự coi mình là nạn nhân của hoàn cảnh và người khác. Sống như thế là tự trói buộc mình vào quá khứ cách oan uổng, và rồi sẽ dẫn đến những hệ lụy oan khiên. Theo định luật tâm lý, vì đã không thu nhận và giao hòa với những đau khổ của mình, nên ta sẽ chuyển dịch chúng sang những người khác, bắt họ chịu những gì mà ta đã chịu, và nhiều khi cứ hành hạ người khác mà chẳng biết vì lý do gì.

Khi một người đã hoàn hoàn toàn là mình, đã tìm thấy thế quân bình của mình, thì không ai có thể làm tổn thương người ấy. Đây là thái độ sống cụ thể phát xuất từ một tâm hồn thuần phát, ngay chính, trong một sự tự do nội tâm, đến nỗi cả sự chết cũng không gây tác hại trong mình. Chính Socrate đã thể hiện thái độ sống đó cách bình thản: “Về phần tôi. Anytos và Melitos có thể giết chết tôi, nhưng họ không thể gây thiệt hại cho tôi”. Điều này khiến ta nhớ lại lời Chúa Giêsu: "Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa” (Lc 12,4).

Ta dễ bị khống chế bởi những ý niệm mà ta có về các biến cố, nên phát sinh những phản ứng hỗn loạn. Không phải cái chết là khủng khiếp, nhưng là điều mà ta hình dung về nó. Cũng không phải chiếc bình bạch ngọc bị đánh vỡ gây tổn thương cho ta, nhưng là do ta coi chiếc bình đó như vật tối cần thiết, đến độ liên kết với căn tính của mình. Càng không phải lời chỉ trích của thiên hạ khiến ta đau đớn, nhưng là do ta đặt danh giá của mình lệ thuộc vào sự bình phẩm của người khác. Nếu ta biết suy nghĩ sâu hơn và tạo cho mình một ý niệm đúng đắn về sự việc, ta sẽ vô hiệu hóa mọi va chạm và tấn công của thế giới chung quanh. Sự bình tâm trong Chúa sẽ giải thoát ta khỏi quyền năng của thực tại bên ngoài để đi vào thực tại bên trong, là thành phần chính yếu của phẩm giá con người.

Mỗi cá nhân là duy nhất, phải nhận ra chỗ đứng và vai trò mà Thiên Chúa đã phân định cho mình trong thế giới với mọi tình trạng của nó. Biết như vậy ta mới định hướng được mọi biến cố đời mình. Hơn nữa, mỗi người đều mang Thiên Chúa trong mình, được thông phần vào bản tính Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Nếu thiếu ý thức về điều đó, ta sẽ làm dơ bẩn Ngài với những tư tưởng bất chính và những hành động bất hảo. Do đó, mọi phản ứng và khát vọng của ta phải phù hợp với ước muốn của Thiên Chúa, và trở nên điều mà Ngài chờ đợi nơi ta.

Sự phù hợp với thánh ý Chúa làm cho ta thực sự tự do và đem lại phẩm giá cho mình. Ta không xây dựng đời mình dựa trên sự mong mỏi hay đánh giá của người khác, nhưng dựa vào chính Thiên Chúa: là cái nhìn và ý muốn của Ngài. Hãy để cho Ngài đặt ta vào bất cứ tình huống nào mà Ngài cho là tốt; hãy để Ngài dẫn ta đi bất cứ nơi nào mà Ngài thấy là cần thiết; và hãy để cho Ngài mặc cho ta bất cứ chiếc áo nào mà Ngài thấy là đẹp. Như vậy, dù quá khứ hay hiện tại, dù bấp bênh hay bóng tối, dù bao nhiêu thay đổi, ngay cả tội lỗi cũng không làm ta nao núng, ngã lòng, vì ta luôn đặt mình tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa. Sức mạnh và sự vững vàng của ta là ở nơi Ngài trong chính tâm hồn ta.

5. Thái độ hiện sinh

Quá khứ và tương lai chỉ có ý nghĩa thâm trầm khi ta biết qui chiếu về hiện tại. Ở lại trong quá khứ hay mất hút trong tương lai đều cướp mất sức sống của chúng ta. Quá khứ của ta phải được nhìn lại từ nhãn giới của hiện tại. Bất cứ vấn đề gì còn tồn đọng, chưa giải quyết, ta phải giải quyết ngay một cách ổn thỏa. Tương lai cũng thế, cần phải được phác họa trong bối cảnh thực tế của hiện tại. Bất cứ điều gì xảy đến cho ngày mai, đều tùy thuộc phần lớn vào những gì ta xây dựng hôm nay: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, dùđường đời không luôn bằng phẳng:

       “Ví thử đường đời bằng phẳng cả

         Anh hùng hào kiệt có hơn ai.” (Nguyễn Trãi)

Con đường phía trước có những dốc cao làm ta ngần ngại; có những khúc ngoặt làm ta sợ hãi. Đôi khi ta thấy mình phải đến nơi mình không muốn. Con đường phía trước không có nghĩa là con đường tươi sáng và hoan lạc theo cái nhìn của thế gian, nhưng nó được định hình theo đường lối của Thiên Chúa, có thể thế này, có thể thế khác. Đức Giêsu đã trải qua kinh nghiệm đó khi Ngài kiên quyết lên đường đi Giêrusalem, dù biết có những nguy hiểm đang rình chờ. Ngài đã phải cố gắng để thắng vượt nỗi sợ hãi và do dự để tiến về phía trước, vì đó là con đường Cha muốn Ngài đi. Với tình yêu hiến dâng, Ngài đã biến nỗi lo sợ thành sức mạnh hiên ngang để tiến bước, và nói lên tâm nguyện của Ngài với các môn đệ rằng: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 50).

Đó mới thật sự là con đường tươi sáng, vì nó hoàn thành ý định của Thiên Chúa nơi Đức Kitô để đem lại ơn cứu độ cho loài người. Vì thế, ta cần phải hiểu con đường phía trước theo kế hoạch của Thiên Chúa đặt định, chứ không theo cách thức và tầm nhìn của con người. Điều gì Thiên Chúa muốn, thì Người sẽ ban ơn cho ta có đủ năng lực và khôn ngoan để hoàn thành. Có điều chúng ta có dám tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Chúa định liệu không? Hay lại muốn mở ra con đường phía trước theo toan tính của mình?

Khi một môn đệ than vãn về nỗi đường dài và những trắc trở của nó, Đức Thích Ca đã trả lời: “Này con, đường dài và khó khăn bởi vì con cứ muốn đến nơi trước thời hạn. Mục tiêu đích thực của con đường không phải là đến nơi, nhưng là cứ đi...”.

Lời nguyện   

Lạy Chúa, Chúa là Đường, để con tin tưởng bước đi.

Từng chặng đường đi qua trong cuộc đời con đều được bao bọc bởi lòng từ bi và ân sủng của Chúa.

Dù có những thành công hay thất bại, đau thương đổ vỡ hay mừng vui hạnh phúc... thì cũng đã qua rồi. Con không hối hận điều chi, cũng chẳng tiếc nuối điều gì.

Tất cả đều phải được xảy ra như thế, để làm nên cuộc sống của con hôm nay, để con biết ý thức thanh lọc và kiện toàn đời sống mình.

Điều quan trọng trong giây phút này, là con phải tích cực và hăng say dấn thân trên con đường đi tới, để góp phần xây dựng một thế giới mới, trước tiên ở trong chính tâm hồn mình.

Cuộc sống nào cũng là một ơn gọi hoàn thiện, là con đường chung cho mọi người để tiến tới đích điểm là chính Chúa, nhưng lại cũng rất riêng biệt trong cuộc đời mỗi người chúng con cho Chúa.

Xin soi dẫn và đưa bước con đi. Với Chúa, con không còn phải đắn đo lo sợ gì. Amen.

Lm. Thái Nguyên


 

 

l