TỪ GHEN TỴ ĐẾN CA TỤNG

 

 

 

 

Sr. Ter.Trúc Băng


AMADEUS MOZART là tên một bộ phim Mỹ nổi tiếng ở thập niên 80. Tựa đề tiếng Việt là Sự đố kỵ của thiên tài. Nội dung xoay quanh cuộc đời của nhà soạn nhạc vĩ đại Mozart người Áo, tài năng nhưng bạc mệnh.

 

Chắc hẳn ai trong chúng ta ít nhiều cũng đã từng nghe qua những nhạc phẩm kinh điển của ông. Lẽ ra thế giới sẽ còn được thưởng thức những tuyệt phẩm hơn nữa, nhưng ông đã ra đi ở tuổi 35 trong nghèo khổ và kiệt quệ chỉ vì lòng ghen tỵ tiềm ẩn dưới lớp vỏ đạo đức, tốt lành của người bạn tên Antonio Salieri, một người chơi đàn trong hoàng cung và là thầy dạy nhạc cho nhà vua nước Áo. Ông này được nhà vua xem trọng và mọi người mến mộ. Nhưng khi Mozart xuất hiện, vị trí của ông đã bị đảo lộn. Bề ngoài Salieri vẫn đóng vai một người bạn tốt, hết lòng ủng hộ Mozart, nhưng lòng ghen tỵ mù quáng đã khiến Salieri dùng thủ đoạn rất tinh vi để hại chết Mozart.

 

Vậy, ghen tỵ là gì và tại sao nó nguy hiểm đến như vậy?

 

Theo một số định nghĩa, chúng ta có thể hiểu như sau: Ghen tỵ là tôi muốn có điều người khác đang có mà tôi không có. Điều người khác có ở đây có thể là: ngoại hình, tài năng, địa vị, của cải, tiếng tăm…và có thể là chính bản thân người đó. Ghen tỵ khởi đi từ những khao khát, ước muốn chiếm hữu, mà vì không thể chiếm được nên quay sang phá đổ, huỷ diệt, loại trừ, thậm chí là giết chết. Điều này ứng dụng rất thực tế trong tình yêu, nhất là nơi đại đa số giới trẻ hôm nay. Họ lầm tưởng ham muốn chiếm đoạt là tình yêu, hơn nữa còn biện hộ rằng: “Có yêu mới ghen” nên muốn chiếm giữ, và vì chiếm giữ không được nên phá hủy. Những vụ án giết người yêu, tạt axit cả nhà người yêu vì đã ngăn cấm tình yêu của họ xuất hiện ngày càng nhiều  trên các phương tiện truyền thông…., cho thấy sự nguy hiểm của “những tên sát nhân bởi lòng ghen tỵ”.

Thật vậy, lòng ghen tỵ có mặt ngay từ đầu những trang Kinh Thánh, ngay từ thuở hồng hoang của vũ trụ. Vì ghen tỵ với con người, nên Satan, ẩn mình dưới hình dạng con rắn cám dỗ con người, khiến con người nghi ngờ và hiểu lệch lạc về Thiên Chúa, gây ra đau khổ và chết chóc. Nọc độc ghen tỵ khiến Cain giết Abe, làm tan nát mái ấm gia đình của tổ phụ Giacob, gây ra bầu khí chết chóc trong nội tâm anh em Giuse và gây đau khổ cho Giuse khi bị chính anh em mình hãm hại…Lòng ghen tỵ gần như có mặt suốt trong những trang Kinh Thánh và trải dài trong dòng Lịch Sử Cứu Độ. Vậy lòng ghen tỵ dẫn chúng ta đến điều gì?

1. Nghi ngờ Thiên Chúa.

Ghen tỵ làm chúng ta quên đi ơn huệ mà Thiên Chúa đã ban khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu của Ngài. Thật ra, việc bà Eva ăn trái cấm không phải là tội. Tội ở chỗ bà đã tin lời Con Rắn và nghi ngờ Thiên Chúa. Khi cánh tay giơ lên chạm vào ước mơ “biết điều thiện điều ác” cũng là lúc bà đặt dấu chấm hỏi với Thiên Chúa: Tại sao Thiên Chúa nói dối? Tại sao Ngài muốn giữ một điều tốt đẹp, một hạnh phúc vô hạn cho riêng mình? Một trái cây có hiệu quả tuyệt vời như vậy sao Thiên Chúa nói rằng “ăn vào sẽ chết”, trong khi Con Rắn lại bảo “chẳng chết chóc gì đâu?” Chính những lời mưu mô, xảo quyệt này đã gieo vào lòng bà Eva sự nghi ngờ Thiên Chúa, kích thích sự tò mò và lòng ham muốn chiếm đoạt. Và chính lúc bà giơ tay hái trái cấm cũng là lúc giấc mơ kia vỡ tan tành. Khi tỉnh cơn mơ mới thấy mình trần trụi. Từ đây, tương quan giữa Thiên Chúa và con người bị phá hủy, và bầu khí chết chóc đã lan tràn.

Chắc chắn chúng ta đã từng có kinh nghiệm nghi ngờ Thiên Chúa. Nghi ngờ khởi đi từ việc vô ơn, không nhận ra những ơn huệ mà Thiên Chúa đã ban qua những tương quan, những quà tặng,những dấu chỉ…một cách nhưng không và dồi dào: sức khỏe, khả năng, thời giờ,cơ hội, phương tiện, sự sống và bản thân, môi trường và cuộc đời, ơn gọi và cộng đoàn chúng ta đang sống…Một cha Giáo Tập Dòng Tên kể rằng: trong thời gian giữ nhà tập, cha nhận thấy có một tập sinh lúc nào cũng buồn rầu, u uất. Hỏi ra mới biết, tập sinh này buồn vì mình có nước da ngăm đen, không được trắng trẻo như người khác.

Thật kỳ lạ, trong khi Thiên Chúa ban cho ta biết bao điều tốt lành khác, thay vì nhận ra để cảm tạ, thì chúng ta lại nghi ngờ, phàn nàn, oán trách Thiên Chúa: Tại sao Chúa lại dựng nên con thế này? Tại sao con không được sinh ra trong gia đình giàu có, sung sướng hơn? Tại sao ngoại hình của con không được đẹp như chị nọ, chị kia? Sao Chúa ban cho người này, người nọ đủ mọi tài năng, còn con thì lại thua thiệt đủ điều, kém cỏi về mọi phương diện?...và cũng có thể chúng ta không biết một điều rằng: đang khi chúng ta ao ước điều người khác có, thì họ cũng “thèm muốn” những thứ chúng ta đang sở hữu.Vậy nên, thay vì kêu trách Thiên Chúa, chúng ta hãy nhận ra một sự thật rằng: “Chúa dựng nên con cách lạ lùng. Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu.” (Tv 138)

2. Hành vi hủy diệt.

Ghen tỵ, ham muốn và bạo lực luôn đi với nhau. Đây là điều tất yếu phải xảy ra. Bởi lẽ, tôi muốn điều người khác đang có mà không được thì tôi sẽ đạp đổ, hủy diệt nó đi. Vì thế, không lạ gì khi ông bà ta đúc kết: “Ăn không được thì phá cho hôi.” Và tận cùng của hành vi bạo lực là hủy diệt và giết chóc.

Ta có thể lấy kinh nghiệm của ông Giuse. Các anh của ông đáng lẽ đã ngụp lặn trong tình thương của cha và của em út Giuse dành cho mình, nhưng họ đã mù quáng để cho nọc độc ghen tỵ, so bì, ghen ghét chiếm hữu nên đã không nhận ra tình thương của cha dành cho em để ca tụng cha và chúc mừng em. Ngược lại, lòng ghen tỵ quá lớn đã khiến họ lập mưu giết em.

Thật ra, âm mưu giết người chưa cần đi đến hành vi cũng đã gây chết chóc cho mình và cho người mình ghen tỵ rồi. Đây cũng là nỗi buồn khổ của Giuse khi sống trong gia đình. Kinh Thánh nói: “Các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh thì sinh lòng ghét cậu và không thể  nói năng tử tế với cậu.” (St 37,4) và chắc hẳn đây cũng chính là kinh nghiệm của từng người chúng ta. Khi lòng ghen tỵ nổi dậy, chính chúng ta là người đau khổ bất an đầu tiên và làm cho người mà chúng ta ghen tỵ cũng đau khổ, sợ hãi, gây ra bầu khí nặng nề, căng thẳng trong gia đình, cộng đoàn.

Hành vi hủy diệt của lòng ghen tỵ có thể ẩn núp dưới nhiều hình thức. Như đã kể ở phần đầu, trong bộ phim Amadeus, vì ghen tỵ mà Antonio Salieri đã chọn lựa tiêu diệt Mozart, nhưng dưới một hình thức rất tinh vi: lợi dụng lúc Mozart khó khăn về tài chính, Salieri giả dạng một khách hàng đến đặt Mozart sáng tác một tác phẩm lớn và dùng tiền để bắt Mozart làm việc ngày đêm, khiến Mozart chết vì quá lao lực. Còn có một chi tiết ở đầu bộ phim là khi Salieri còn nhỏ ông đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, nếu Chúa cho tôi thành một nhà soạn nhạc nổi tiếng, thì tôi sẽ làm vinh danh Chúa.” Thế nhưng, khi Mozart xuất hiện và tước đoạt vị trí của ông thì ông nói với Chúa: “Bây giờ thì ông không còn tồn tại nữa” và ông ta đã ném tượng Chúa vào trong đống lửa. Chính Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, Ngài là Đấng vô tội cũng đã chết vì lòng ghen tỵ của các Thượng tế ( x.Mc 15,10)

Vậy, chúng ta tự hỏi: làm sao để được giải thoát khỏi nọc độc của ghen tỵ? và giải thoát như thế nào?

3. Biết ơn Thiên Chúa.

Để hóa giải lòng ghen tỵ, điều quan trọng đầu tiên là con người phải nhận ra và biết ơn Thiên Chúa vì những ơn huệ mà Ngài đã ban trên cuộc đời mình. Sỡ dĩ nọc độc ghen tỵ đã xâm chiếm cõi lòng ông bà Nguyên Tổ là vì họ đã quên đi ơn huệ được Thiên Chúa “cầm tay” và “dẫn vào” vườn Êđen (St 2,15), nơi họ được hưởng hạnh phúc và đón nhận sứ mạng quan trọng “canh tác và giữ gìn” (St 2)

Nếu như các anh của Giuse nhận ra tình thương của cha dành cho họ khởi đi từ câu nói yêu thương: “Con hãy đi xem các anh con có được yên lành không?” (St 37,14) thì chắc hẳn họ sẽ biết ơn cha vì đã cho họ tất cả: tình thương, sự sống, mái ấm gia đình…và họ đã không ghen tỵ với em để rồi phá hủy một gia đình êm ấm.

Cũng thế, người biết nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban là người biết cố gắng làm cho những nén bạc được sinh lời. Nói đến đây, chắc hẳn bạn sẽ hỏi tôi: Chúa chỉ cho tôi có một nén, quá ít ỏi, làm sao mà tôi sinh lời cho được? Thưa bạn, Chúa đâu đòi hỏi ở bạn hơn một nén?Chúa chỉ cần bạn làm cho: 1 lời 1 là đủ rồi. Điều quan trọng là bạn đừng vì lười biếng hay bất  mãn mà chôn giấu nó đi. Sinh lời cho 1 nén bạc là bạn đã tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa rồi. Và nếu bạn đón nhận tất cả với lòng biết ơn, hẳn bạn sẽ không lẩm bẩm, kêu trách, so sánh, phân bì, than thở, ghen tỵ với  anh chị em mình.

 4. Ca tụng Thiên Chúa và chúc mừng nhau.

Người sống tâm tình biết ơn thì cũng biết ca tụng Thiên Chúa trong mọi sự. Nick Vujicic là một ví dụ điển hình. Đáng lẽ anh ta có đủ lý do để nghi ngờ, kêu trách, thậm chí là nổi loạn với Thiên Chúa đã cho anh ta có mặt trên đời với một hình hài không hoàn chỉnh và đầy khiếm khuyết. Thế nhưng anh ta lại biết ơn Thiên Chúa và đi khắp nơi để ca tụng Ngài trong chính những khiếm khuyết của mình.

Nếu Salieri biết ca tụng Thiên Chúa đã tạo nên một Mozart thiên tài, thì hẳn thế giới vẫn còn được tiếp tục thưởng thức những bản nhạc trác tuyệt của ông, và Salieri cũng không phải sống quãng đời còn lại trong đau khổ, nổi loạn, cố chấp, chối từ Thiên Chúa (cuối phim ông không chịu xưng tội và vẫn cho rằng Mozart đáng phải chết)

Để hóa giải lòng ghen tỵ, chúng ta còn được mời gọi tiến xa hơn nữa bằng việc chúc mừng nhau. Việc chúc mừng này phải khởi đi từ một tấm lòng chân thành thật sự chứ không phải chỉ là những lời chúc mừng giả tạo bề ngoài mà trong lòng đầy bất ổn, ấm ức, ghen tức…

Thật vậy,người anh cả trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu thay vì chúc mừng em đã trở về sau thời gian “đã mất nay lại tìm thấy” thì lại ghen tức với em, loại trừ em và bất mãn với cha.

Thực tế cuộc sống, chúng ta đã có thừa kinh nghiệm này. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để nói lời chúc mừng anh chị em mình những dịp như: sinh nhật, bổn mạng, kỷ niệm thụ phong linh mục, khấn dòng, hoặc khi họ thành công, gặp may mắn trong cuộc sống…Những lúc đó, thay vì nói những lời chúc mừng chân thành, thì chúng ta lại nói ra những lời ghen tỵ, hoặc trong những trường hợp chẳng đặng đừng, thì lời chúc mừng của chúng ta mang đầy màu sắc miễn cưỡng và giả tạo.

Tuy nhiên, anh chị em chúng ta lại rất cần nghe những lời chúc mừng của chúng ta biết bao. Đó là những lời khích lệ đem lại niềm vui, niềm an ủi, có khi đó còn là bàn đạp, là cơ hội để người  anh chị em mình được thăng tiến và triển nở hơn.

Tạm Kết.

Chúng ta đã thấy được nọc độc của ghen tỵ nguy hiểm, lây lan và tác hại như thế nào trong đời sống con người. Nếu chúng ta để cho mình bị tiêm nhiễm bởi chất độc này, tâm hồn chúng ta sẽ mất bình an, đau khổ, dằn vặt vì không có được những thứ mà người khác đang có. Lòng ham muốn chiếm hữu này sẽ dẫn chúng ta đến những hành động bạo lực, thú tính, hủy diệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta tin tưởng vào kế hoạch cứu độ của Ngài ngang qua Sự Dữ, và Ngài vẫn đang thi thố tình yêu và Lòng Thương Xót ấy mỗi ngày bằng cách trao ban Lời, Mình và Máu của chính Ngài để “tái sinh” nội tâm chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của Sự Dữ.

Xin cho lòng biết ơn và ca tụng Thiên Chúa luôn ngự trị trong tâm  hồn chúng ta, giúp chúng ta luôn biết ngạc nhiên trước mọi điều Thiên Chúa làm cho mình qua từng ngày sống. Đồng thời, chúng ta cũng hãy mang lấy tâm tình hoan ca của Mẹ Maria: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”, để chúng ta sống hạnh phúc và an yên, dù bất cứ trong cảnh ngộ nào.

Viết từ nhà linh thao Pierre Favre, SJ

n


 

 

l