Photo
Việt Ngữ Đắc Lộ


Vài nét lịch sử

Căn cứ trên các tài liệu về lịch sử hình thành Cộng đồng và báo "Niềm tin" (số 12 tháng 09-1980) thì lớp Việt ngữ đầu tiên dành cho các trẻ em VN (không phân biệt tôn giáo) được tổ chức vào khoảng năm 1980 dưới tên "lớp Việt ngữ Phan Chu Trinh". Với thời gian, lớp Việt ngữ đã đổi lại là "Việt ngữ Văn Lang" và cho đến niên khoá 1989-1990 thì chính thức mang tên Đắc Lộ. Theo lời Xơ Michelle, Trưởng ban phụ trách đầu tiên củalớp VNĐL, thì các lớp Việt ngữ thoát thai từ Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể mà các "thầy cô giáo" ban đầu đa số là các Huynh trưởng của Phong trào. Tuy nhiên, nhờ sự cố vấn và trợ giúp của các vị cựu giáo chức, lớp Việt ngữ đã được trưởng thành và phát triển vững vàng.

Hiện nay, vì bận công tác xa, Xơ Michelle không còn sinh hoạt với lớp Việt ngữ nữa, chỉ có Xơ mới là người biết rõ nhất về "tuổi tác" của lớp Việt ngữ. Chúng ta hãy đọc lại mấy vần thơ mà Xơ đã viết tặng VNĐL trong tập Kỷ yếu niên học 92-93 như sau:

Việt Ngữ Đắc-Lộ:
Người em bé nhỏ,
chín tuổi rồi, em cũng tạm lớn khôn!
Thời thơ ấu: thiếu thốn và êm đẹp,
Tương lai đó, hãnh diện không kém người.
Trông thấy em, Thiên Chúa vội tươi cười:
"Việt Ngữ Đắc-Lộ", tên con, Cha chúc phúc!


Cũng theo Xơ:

"Từ một lớp Việt ngữ ngồi dưới mái hiên, các lối đi, trên các bậc cầu thang? Cho dù học trên bãi cỏ hay lang thang trong nhà thờ vv..." Không có gì có thể ngăn cản sức sống mãnh liệt của lớp Việt ngữ, nhất là với những phương tiện sẽ có trong tương lai. Phải chăng đó là dấu chỉ thời đại mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta cùng Ngài xây dựng quê hương nơi thế hệ trẻ hôm nay !

Khi nói đến Việt ngữ Đắc-lộ là nói lên hoài bão của các thầy cô đã âm thầm tạo nên vóc dáng cho một nền văn hoá bất khuất: "tiếng nói quê hương" nơi bờ môi, nơi tim óc các em. Mong rằng mỗi em đã bước qua ngưỡng cửa lớp Việt ngữ Đắc-lộ đều hãnh diện vì những hành trang quê hương mà các giáo viên đã chuẩn bị cho các em để các em yêu đất nước mình hơn.”

Cho đến nay, sĩ số học sinh hằng năm khoảng hơn 200 em, với một lực lượng giáo viên rất "khiêm tốn" là 14 người cho 11 lớp.

Các học sinh xuất sắc

Là những học sinh chăm ngoan và chuyên cần với một kết quả học tập vượt trên những em khác. Từ niên học đầu tiên cho đến nay, chúng ta ghi nhận có những học sinh sau đây:

      - Em Mạc Thiên Bích (1989-1990-1991)
      - Em Hoàng Bảo Quỳnh Bôi (1991-1992-1993)
      - Em Trần Thái Thiên Vân (1992-1993)
      - Em Nguyễn Khương Di Linh (1992-1993-1994-1995-1996)
      - Em Phạm Cẩm Thuỳ (1993-1994)
      - Em Phạm Trương Nhật Phương Uyên (1993-1994-1995-1996-1997)
      - Em Trần Đức Anh Thư (1994-1995-1996-1997-1998)
      - Em Phan thị Liễu Trinh (1997-1998-1999-2000-2001-2002)
      - Em Trần thị Bích Liên (1997-1998-1999-2000-2001-2002)
      - Em Trần Đức Thiên Thư (2000-2001-2002)
      - Em Hồ Tường Vân (2001-2002)
      - Em Trần thị Thuỳ Linh (2002-2003)
      - Em Lê thị Diễm Hương (2002-2003-2004)

Trong số những học sinh nêu trên, em Hoàng Bảo Quỳnh Bôi là học sinh giỏi đầu tiên có khả năng phụ tá cô giáo trong niên học thứ 3. Niên học 1992-1993 em đã được trao phần thưởng Danh dự Lớp VNĐL.

Em Nguyễn Khương Di Linh, hai lần được phần thưởng học sinh giỏi do Cộng Đồng Người Việt t r a o tặng. Tham gia giảng dạy từ niên khoá 1998- 1999, hiện nay là cô giáo phụ trách lớp 3B. Là giáo viên đầu tiên được đào tạo từ Lớp VNĐL cũng là niềm hãnh diện cho các thầy cô và toàn thể học sinh.

Đặc biệt nhất phải kể em Trần Đức Anh Thư, một học sinh xuất sắc ngoại hạng. Em đã hai lần được tuyên dương là học sinh Xuất sắc Lớp VNĐL và luôn dẫn đầu liên tục trong bốn niên khoá. Là một trong những sáng lập viên của Bút nhóm Ngàn Thông, Anh Thư luôn tỏ ra dồi dào khả năng trong việc sử dụng tiếng Việt. Cộng tác với Trung tâm Hồng Đức trong việc hướng dẫn các học viên lớp Căn bản tiếng Việt, Anh Thư càng có dịp để phát triển tài năng của mình. Nhưng điều đáng cảm động là Anh Thư luôn gắn bó và hầu như không khi nào quên được "tổ ấm Đắc-lộ" mà vẫn trở về "Thăm trường cũ" hằng năm, giống như ông "Các-nô" xưa trong sách Quốc văn Giáo khoa thư. Nếu có thể cống hiến gì cho trường xưa, Anh Thư quyết không từ nan. Mỗi năm, cứ đến ngày Bế giảng thì Anh Thư lại cùng Nhóm bạn Ngàn Thông đến để trang hoàng sân khấu và chụp ảnh cho các học sinh. Đôi khi đích thân vẽ tranh bìa và viết truyện ngắn cho Kỷ yếu. Năm nay, tập Kỷ yếu kỷ niệm 15 năm của chúng ta sẽ được chính Anh Thư phụ trách phần kỹ thuật. Trái tim của Anh Thư đã trao trọn cho thế hệ đàn em của lớp VNĐL.

Hai học sinh khác mà chúng ta đã thấy luôn đi đôi như một cặp bài trùng để giới thiệu chương trình trong các lễ Bế giảng, đó là em Phan thị Liễu Trinh và Trần thị Bích Liên. Học giỏi, duyên dáng và đầy thiện chí, hai em đã hưởng ứng tham gia giảng dạy. Từ niên học 2002-2003, Liễu Trinh đã cùng Cô Trần Kim Yến phụ trách lớp 1A. Năm nay, vì bận đi học xa, nhưng vừa được nghỉ hè là Liễu Trinh đã lập tức trở lại lớp VNĐL để tiếp tay các thầy cô. Phần Bích Liên thì trong niên khoá 2003-2004 đang theo phụ tá cho Cô Tường để được huấn luyện thêm trước khi phụ trách lớp.

Tất cả những thành quả nêu trên, là công lao của rất nhiều người mà phải kể trước tiên là quý vị Phụ huynh. Quý vị đã tạo cơ hội và điều kiện cũng như khích lệ các em trong việc học. Ngoài ra, thiện chí và khả năng của các em cũng chiếm một vai trò quan trọng. Đối với những em học sinh sau khi lên lớp cao nhất rồi mà vẫn còn ngồi lại thêm 4 hay 5 năm nữa, chúng tôi xin thán phục sự kiên trì và tinh thần học tập của các em. Chúng tôi cũng xin tri ân quý vị Phụ huynh đã tín nhiệm trao gởi con em đến trường VNĐL mà không quản ngại thời gian đã mất đi để chúng tôi có thể đào tạo các em trở nên những người tiếp nối công việc bảo tồn tiếng mẹ đẻ nơi xứ người.

Tri ơn

Lớp Việt ngữ Đắc-lộ được phát triển và tồn tại đến ngày nay là nhờ công lao của rất nhiều người: từ những Huynh trưởng của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, các bạn thuộc Nhóm Linh Thao, quý vị cựu giáo chức, quý vị tình nguyện viên trong các Hội đoàn khác của Cộng đồng, đến sự ủng hộ của Hội đồng Quản trị và Hội đồng Mục vụ nhưng nhất là được sự quan tâm đặc biệt của Cha Quản nhiệm tiền nhiệm Nguyễn văn Mai, và bây giờ là Cha Đinh Thanh Sơn cùng vô số ân nhân khác.

Trong số những ân nhân và đồng thời là một "thân hữu" trung thành của lớp VNĐL chúng tôi xin được tri ân trước tiên Bác sĩ Lâm Thu Vân như một nhân chứng cho sự trưởng thành của lớp VNĐL trong 15 năm qua. Sự hiện diện của Bà đã khích lệ tinh thần rất nhiều cho Ban Giảng huấn và các em học sinh.

Những quan khách khác, tuy xuất hiện sau Bác sĩ Lâm Thu Vân, nhưng cũng quan trọng không kém. Sự hiện diện đều đặn của quý vị hằng năm trong ngày lễ Bế giảng đã nói lên sự quan tâm lớn lao của quý vị đối với việc bảo tồn tiếng Việt. Chúng tôi xin được tri ân Giáo sư Khiếu Đức Long, người đã từng hướng dẫn chúng tôi về các qui tắc chính tả tiếng Việt và sẵn sàng giúp Ban Giảng huấn bồi dưỡng phần chuyên môn bất cứ lúc nào.

Người mà trong những năm gần đây luôn cho chúng tôi những lời khích lệ đầy ý nghĩa đồng thời cũng đích thân trao tặng phần thưởng cho học sinh xuất sắc lớp VNĐL đó là Bác sĩ Đặng Phú Aân, chủ tịch Cơ sở Khuyến học và Phát huy văn hoá VN Montréal. Chúng tôi xin thành thật ghi ơn sự lưu tâm đặc biệt của Bác sĩ đối với Ban Giảng huấn cũng như toàn thể học sinh lớp VNĐL.

Chúng tôi không thể quên Thầy Vũ Đình Hoà đã luôn sát cánh giúp đỡ lớp VNĐL trong những năm qua và nhất là đã phụ trách phần kỹ thuật cho các tập Kỷ yếu trong 12 niên học kể từ ngày Kỷ yếu được ra đời. Xin nhận cho lòng biết ơn sâu xa.

Chúng tôi xin cám ơn Cô Trần Đức Anh Thư và các bạn nhóm Ngàn Thông, đã hy sinh thời giờ, mỗi năm đều đến trang hoàng sân khấu và chụp ảnh cho lớp VNĐL, nêu gương thiện nguyện cho các em học sinh.

Đối với Ban Cố vấn lớp VNĐL, sự quan tâm và hướng dẫn âm thầm của quý vị trong suốt 15 năm đã giúp cho lớp VNĐL được bước đi những bước vững vàng. Chúng tôi xin được tri ân Sr Michelle, Giáo sư Lê Hữu Mục và Bác Phan Xuân Hoa.

Đặc biệt, chúng tôi xin ghi ơn những vị Trưởng ban, đã hy sinh rất nhiều để gánh trách nhiệm, giúp cho lớp VNĐL được phát triển và đi vào nền nếp như hôm nay. Chúng tôi xin được nhắc đến Sr Michelle, Cô Tô thị Bạch Tuyết, Thầy Nguyễn Đặng Lộc. Chúng tôi cũng xin được gởi lời cảm kích đến Bà Lê thị Xuân Diệu, phu nhân Thầy Hiệu trưởng, trong nhiều năm qua đã động viên và khích lệ Thầy Lộc tiếp tục trách vụ cao quý của mình. Đồng thời, chúng tôi xin ghi ơn các vị phối ngẩu cùng các phụ huynh của tất cả giáo viên đã sẵn lòng tạo điều kiện để các giáo viên có thể yên tâm tham gia giảng dạy. Sự cộng tác âm thầm của quý vị là một khích lệ lớn lao cho Ban Giảng huấn và lớp VNĐL. Ngoài ra, với sự hiện diện không thể thiếu được của Thầy Giám thị Hoàng Kế Thế cùng sự cộng tác của toàn thể giáo viên, lớp VNĐL không hổ thẹn vì đã có được một đội ngũ giảng huấn (tuy không hùng hậu) nhưng đầy chất lượng và tình bác ái huynh đệ.

Tổng Kết

Mười lăm năm trôi qua, tưởng như mới hôm qua, nhưng vừa đủ cho một thế hệ lớn lên. Tuy nhiên, sức người có hạn và các giáo viên cũng phải mỏi mệt. Dạy Việt ngữ tại Cộng đồng Công giáo VN là một công tác thiện nguyện, nếu giáo viên nào không có "ơn gọi" sẽ không đủ kiên trì trước những khó khăn về đủ phương diện. Chúng ta thấy một thầy Giám thị đã âm thầm làmviệc từ 15 năm, một thầy Hiệu trưởng đã gánh vác trong 10 năm, một cô giáo trẻ, cô Trịnh Nguyễn Nữ Huyền Hương, đã hăng say phục vụ từ 12 năm không gián đoạn. Những giáo viên đó vẫn phải tiếp tục trách vụ của mình vì không có người thay thế và mỗi năm lớp VNĐL thường có ít nhất ba giáo viên xin tạm nghỉ với lý do chính đáng. Cho nên, nếu không vì lâm bệnh ngặt nghèo thì các thầy cô ấy vẫn không thể bỏ Lớp VNĐL. Hiện nay, chúng ta thấy có thêm nhiều tấm gương khác về tinh thần trách nhiệm xuất hiện như: Cô Nguyễn thị Hờn (lớp 4) , Thầy Nguyễn Khải Minh (lớp 5), Cô Hồ thị Ngọc Bích (lớp 3A), Cô Nguyễn Khương Di Linh (lớp 3B), Cô Lương thị Hoàng (lớp 2C), Cô Trần Thanh Trúc (lớp 6), Cô Lê thị Lan (lớp 1B), Cô Trần Mỹ Hương (lớp 2B), Cô Trần Kim Yến và Cô Phan thị Liễu Trinh (lớp 1A), Thầy Trần Chính Nghĩa và Thầy Võ văn Minh (thay thế khi các giáo viên vắng mặt). Đáng kể nhất là Sr Elisabeth, tuy lớn tuổi và phải phụ trách hai lớp Giáo lý, nhưng vẫn tham gia giảng dạy. Tiếc rằng sang năm Xơ không đủ sức để đảm đương nữa, thật là moat mất mát lớn cho lớp VNĐL.

Mặt khác, những người đã có sẵn tinh thần thiện nguyện thì thường làm hai, ba việc cùng lúc (chẳng hạn có người tham gia 3 Hội đoàn), cho nên đã bận càng bận thêm. Từ 3 năm nay, vì một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà nhiều giáo viên cùng đi học . Giáo viên nào bị đi học mà không bỏ được lớp Việt ngữ thì quả là một hy sinh lớn lao. Từ đầu, chúng ta đã có hai cô Thanh Trúc và Di Linh đang cố gắng hoàn tất chương trình Cao học. Tiếp theo là Cô Kiều Nhi và Thầy Võ văn Minh đi tu nghiệp. Cô Tường cùng Thầy Hoà thì theo đuổi chương trình Thần học trong 6 năm. Năm nay đến phiên Thầy Lộc được tu nghiệp. Thành thử nếu để ý, chúng ta sẽ thấy các thầy cô ấy luôn đến "đúng giờ", tay xách cặp, chân bước vội vàng, vẻ mặt khan trương... Vì thế, mỗi lần Thầy Lộc hỏi về việc du ngoạn thì mọi người đều đáp là "Mệt quá!". Nhưng Thầy Lộc thì không bao giờ quên "quyền lợi" của các em học sinh nên Thầy đã dự định tổ chức du ngoạn vào đầu niên khóa tới. Các em học sinh hãy an tâm mà chờ nhé!

Tóm lại là tuy mọi người làm việc trong bầu không khí bận rộn nhưng thân thiện như anh em một nhà. Mỗi người đều âm thầm làm bổn phận của mình và biết là không ai thay thế. Cứ như vậy mà thời gian trôi qua, năm này đến năm khác. Cầu xin Chúa mau gởi thêm người có khả năng và thiện chí để tiếp tay với chúng con.

Trong lúc chờ đợi, thân chúc quý thầy cô cùng quý vị phụ huynh và các em học sinh những tháng hè được thật sự nghỉ ngơi. Hẹn gặp lại nhau trong niên học mới.