|
Ronald Rolheiser, 2020-08-03
Gần đây trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, phóng viên hỏi tôi câu hỏi sau: “Nếu cha ở trên giường chết, cha muốn để lại gì khi chia tay?” Câu hỏi làm tôi chưng hửng lúc đó? Tôi muốn để lại gì trong các lời nói cuối cùng của mình? Không có thì giờ để suy nghĩ, tôi khựng lại. Tôi muốn nói: “Đừng sợ. Sống nhưng không sợ. Đừng sợ chết. Nhưng nhất là đừng sợ Chúa!” Tôi là người công giáo từ trong nôi, cha mẹ tôi rất tuyệt vời, tôi được các cô thầy tận tâm dạy giáo lý, và tôi được ưu tiên học thần học trong các lớp học tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, tôi đã phải mất năm mươi năm để thoát ra khỏi một số nỗi sợ trong đạo làm tôi bị tê liệt và để nhận ra Chúa là người duy nhất mà mình không được sợ. Tôi đã phải để một phần lớn đời mình để tin những lời Chúa nói hơn ba trăm lần trong Thánh Kinh và đó là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với người Ngài gặp lần đầu tiên sau khi Ngài sống lại: Đừng sợ! Đó là cuộc hành trình năm mươi năm để tôi tin điều đó, để tin tưởng nó. Trong phần lớn cuộc đời, tôi đã sống trong nỗi sợ hãi sai lầm về Chúa và nhiều thứ khác. Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt sợ sấm sét, mà trong đầu óc thơ bé của tôi, sấm sét cho thấy Chúa có thể dữ dội và đe dọa đến mức như thế nào. Về mặt tôn giáo, sấm sét là điềm báo cho chúng ta biết, chúng ta phải sợ. Cùng các nỗi sợ này, tôi còn nuôi dưỡng nỗi sợ cái chết, tự hỏi linh hồn đi đâu sau khi chết, đôi khi tôi nhìn về chân trời u tối sau khi mặt trời lặn và tự hỏi liệu những người đã chết có ở đâu đó ngoài kia không, tôi bị ám ảnh trong bóng tối vô tận này, vẫn đau khổ cho hoàn cảnh của họ. Tôi đã không có lý trong cuộc sống. Tôi biết Thiên Chúa là tình yêu, nhưng tình yêu này cũng là một công lý quyết liệt, đáng sợ và đòi hỏi. Các nỗi sợ hãi này vẫn âm thầm ở trong lòng tôi suốt tuổi vị thành niên. Năm 17 tuổi tôi quyết định đi tu, đôi khi tôi tự hỏi liệu tôi có tự do trong quyết định này không, hay do một nỗi sợ sai lầm. Tuy nhiên, bây giờ khi nhìn lại, với năm mươi năm sau, tôi biết đó không do nỗi sợ bắt buộc tôi, mà do một cảm nhận chân thực khi được gọi, ảnh hưởng của cha mẹ tôi và các nữ tu dòng Ursuline đã dạy tôi, rằng cuộc sống của mỗi người không phải là của họ, cuộc sống được kêu gọi phục vụ. Nhưng nỗi sợ tôn giáo vẫn mạnh mẽ trong tôi. Vậy, điều gì đã giúp tôi buông bỏ điều đó? Điều này không xảy ra trong một ngày hoặc một năm; Đó là kết quả tích tụ trong năm mươi năm với các mảnh ghép gom lại với nhau. Nó bắt đầu với cái chết của cha mẹ tôi khi tôi hai mươi hai tuổi. Sau khi chứng kiến mẹ và cha tôi qua đời, tôi không còn sợ chết. Đó là lần đầu tiên tôi không sợ một xác chết vì các thi thể này là của cha mẹ tôi. Nỗi sợ hãi của tôi về Chúa cũng giảm dần mỗi khi tôi cố gắng gặp Chúa với tâm hồn trần trụi trong lúc cầu nguyện và nhận ra tóc của mình sẽ không trắng bạc khi mình đứng trước mặt Chúa; vì vậy tôi không còn sợ. Nỗi sợ hãi của tôi cũng giảm khi tôi phục vụ người khác và hiểu Lòng Thương Xót Chúa khi tôi học và dạy thần học, hai lần chẩn đoán ung thư buộc tôi phải suy ngẫm về cái chết thực sự của chính mình, và như một số đồng nghiệp, gia đình và bạn bè đã hình thành cho tôi làm sao có thể sống tự do hơn. Về mặt đầu óc, một số người đặc biệt giúp đỡ tôi: John Shea đã giúp tôi nhận ra Chúa không phải là luật phải tuân theo, mà là năng lực đồng cảm vô tận, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc; Robert Moore đã giúp tôi tin rằng Chúa đang thích thú nhìn chúng ta; Charles Taylor giúp tôi hiểu Chúa muốn chúng ta phát triển; các lời chỉ trích bài tôn giáo cay đắng của những người vô thần như triết gia Frederick Nietzsche đã giúp tôi thấy, nơi mà khái niệm riêng về Thiên Chúa và tôn giáo của tôi cần thanh tẩy nhiều; và người anh cả, một linh mục truyền giáo, đã làm xáo trộn thần học của tôi với những câu hỏi thiếu tôn kính như, loại Thiên Chúa nào muốn chúng ta sợ hãi Ngài? Các mảnh này mảnh kia đã ráp lại với nhau. Những lời nói cuối cùng nào là quan trọng? Chúng có thể có nhiều ý nghĩa hay không có bao nhiêu ý nghĩa? Những lời cuối cùng cha tôi nói với các con là “hãy cẩn thận, cẩn thận”, cha tôi muốn nói đường từ bệnh viện về nhà trơn trợt trong tuyết và đá. Lời nói cuối cùng không phải lúc nào cũng để lại một thông điệp; nó có thể chỉ là lời tạm biệt hay tiếng thở dài đau đớn, kiệt sức không nghe được; nhưng đôi khi những lời này cũng là di sản của chúng ta. Có cơ hội để lại một vài lời cuối cùng cho gia đình, bạn bè, tôi nghĩ sau khi nói lời tạm biệt lần đầu tiên, tôi sẽ nói: đừng sợ. Đừng sợ sống, đừng sợ chết. Nhất là đừng sợ Chúa. Nguyễn Tùng Lâm dịch .
|