Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 2-5  


 

Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 2-5

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, Ronald Rolheiser

Ngây ngô về bản chất của năng lực thiêng liêng 

Mọi năng lực đều mang tính thống trị tối thượng, đặc biệt là năng lực khiêu dâm và sáng tạo. Năng lực không tình cảm, nó chế ngự tất cả chúng ta, nó có thể đánh gục chúng ta như trò chơi đấu bò. Karl Jung có lần nói rõ điều này, nhưng các nền văn hóa tiền-hiện-đại đã sống trọn vẹn cuộc sống của họ trong việc đối diện với thực tế này. Họ ứng xử với năng lực trong một tinh thần tôn kính thần thánh. Họ có lý do của họ.

Lý do đầu tiên trong các lý do này là lý do tôn giáo. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là Đấng hay ghen!” Nhiều điều hàm chứa trong câu nói đó hơn là suy nghĩ nông cạn của chúng ta. Năng lực không những chỉ khó tiếp cận, mà một khi nó đi lọt vào trong thì lại càng khó mà dung chứa nó. Nhiều người yêu một cách ám ảnh, nhiều nghệ sĩ ám ảnh, những người cuồng tín tôn giáo mất thăng bằng chứng minh điều đó. Rất khó để có một ngọn lửa yêu đương, sáng tạo, mộ đạo, nhưng một khi ngọn lửa đó bừng cháy, giữ được nó cũng không phải là chuyện dễ.

Những nền văn hóa trước đây, dù chúng có những sai lầm, nhưng họ hiểu bản chất tối thượng của năng lực, đặc biệt là năng lực thiêng liêng, năng lực khiêu dâm. Nói chung, họ sợ năng lực, đặc biệt năng lực tình dục và tôn giáo. Nỗi sợ đó được thể hiện nơi các lớp đệm khác nhau họ dựng nên để bảo vệ mình trước sức lực tàn bạo của nó. Họ thấy năng lực cần một sự ngẫm suy nào đó, như dòng điện cao thế cần máy biến thế để giảm điện áp. Vì thế, họ có nhiều điều cấm kỵ, lo sợ, nhút nhát, nghi thức, và cấm đoán, đặc biệt là những điều thuộc về tôn giáo và tình dục. Nói chung, người ta cũng khuyên bảo và thường cấm đặt một vài câu hỏi nào đó. Việc tự do suy tư quá trớn bị xem là nguy hiểm, một số sách bị liệt vào danh mục và công bố là bị kết án, và Galilê bị cấm nhìn qua viễn vọng kính. Người ta quan ngại chính khát khao suy tư và đặt vấn đề của con người.

Chúng ta có thể phê phán gay gắt toàn bộ các điều này nhưng không phải tất cả đều thiếu lành mạnh. Những người tiền-hiện-đại hiểu, dù có hiểu sai lạc đến đâu, không chỉ về điều Kinh Thánh có ý khi nói chúng ta có một Thiên Chúa hay ghen, nhưng còn hiểu ý nghĩa của câu: “Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà có thể sống!” Đối với họ điều này có nghĩa rằng năng lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo vốn chứa đựng năng lực tình dục, phải có một sự suy ngẫm nào đó, một loại thanh lọc nào đó và một vài cấm kỵ bao quanh nào đó nếu không nó sẽ hủy hoại chúng ta. Chính tự nó, nó quá thô thiển, quá đòi hỏi, quá mạnh mẽ. Chúng ta cần sự giúp đỡ không chỉ trong việc tiếp cận nó, nhưng còn trong việc dung chứa nó nữa. Biết được điều này, họ đã cố gắng làm hai điều bằng năng lực, đặc biệt năng lực thiêng liêng và năng lực tình dục.

Trước tiên, họ sẽ luôn cố gắng hiểu rằng năng lực đến từ Chúa và cuối cùng quay lại về Ngài. Vì vậy họ bao bọc cho năng lực tôn giáo, tình dục và nỗi khát khao những biểu tượng rất cao quý. Chúng ta dùng những biểu tượng sinh học và tâm lý ở đâu, thì ở đó họ dùng những biểu tượng thần học; ví dụ, dùng chữ “đói” trong câu “đói bánh hằng sống”, hoặc khi chúng ta nhìn vào sự thèm muốn và nói là bị ám ảnh hoặc đeo bám thì họ nói “những khát khao vĩnh cửu.” Sự thèm khát luôn được hiểu như sự chống lại một chân trời vô biên. Trong loại khung sườn này, với những hàng rào biểu tượng rất cao, chúng ta có thể hiểu tại sao Thánh Âu-tinh tóm kết toàn bộ cuộc đời mình trong một hàng: “Lạy Chúa, Ngài dựng nên chúng con cho Ngài, tâm hồn chúng con vẫn còn khắc khoải cho tới khi nào nó được nghỉ yên trong Chúa.”

Thứ đến, để cố gắng dung chứa năng lực thiêng liêng và tình ái, họ đã bao bọc cho sự thèm khát nhiều điều cấm kỵ, cấm đoán, và luật lệ nghiêm khắc. Ở mức độ căn bản nhất, rất lâu trước khi bất cứ điều cấm kỵ và cấm đoán nào được đặt tên và hệ thống hóa, thì ý tưởng ở đây đơn giản là, phàm là người, thì bạn phải quỳ gối trước mặt Thiên Chúa, có nghĩa là, cúi sâu và đặt ý muốn của mình dưới đức thánh thiện và ý muốn của Thiên Chúa. Qua việc quỳ gối, vừa về mặt thể lý và tri thức, họ cảm nhận một năng lực được tôn trọng cách đặc biệt. Dĩ nhiên, sự việc không ở yên ở mức độ chưa định danh này. Mỗi thứ nguyên tắc, luật lệ, điều cấm kỵ, và ngăn cấm cuối cùng đều được đề ra và áp đặt.  Trong tâm trí của những người hình thành và áp đặt những cấm đoán đó, họ mang ý tưởng rằng rốt cuộc, nhờ suy ngẫm về năng lực thánh thiêng, con người sẽ được bảo vệ.

Thế giới tiền-hiện-đại hiểu rằng con đường thiêng liêng là cách chúng ta thông kênh luồng tình cảm (eros) của chúng ta, và theo họ, con đường cần thiết để thông kênh đúng đắn là con đường hướng khát khao đó về Thiên Chúa, con đường của sự quỳ gối. Con đường đó cũng thường trở nên con đường của lo sợ, con đường của kiểm soát xuyên qua các điều cấm kỵ, cấm đoán và luật lệ bên ngoài.

Điều này có một kết quả hỗn hợp nhưng không phải toàn bộ đều xấu. Một mặt, họ sống với nhiều nỗi sợ, dị đoan, hạn chế và nhút nhát hơn chúng ta. Mặt khác, họ vừa có sự ổn định xã hội vừa có một bản chất tâm lý mà hầu hết chúng ta đều ghen tỵ. Nói cách giản đơn hơn, khi nhìn vào cách họ xử lý với năng lực tình cảm và thiêng liêng, chúng ta xem họ là những người tuân thủ luật pháp tuyệt đối và câu nệ, nhưng gia đình và cộng đoàn của họ gắn bó khắng khít hơn gia đình cộng đoàn chúng ta, họ ít lo lắng, họ bình yên ngủ hơn chúng ta, vì tất cả những biểu tượng rất cao, những hạn chế dù hoạt động khác thường thế nào, vẫn dạy họ rằng họ là những hữu thể bất tử, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng mà mỗi hành động, dù riêng tư, vẫn quan trọng. Họ không cần phải đặt cho mình một ý nghĩa riêng. Vì thế, có lẽ có một trớ trêu thật, họ ít bị thất vọng và căng phồng như chúng ta.

Ngày nay, dù tinh vi đến đâu, chúng ta vẫn ngây ngô về bản chất của năng lực. Không giống như Jung, chúng ta thân thiện với nó, như một điều gì đó không cần phải sợ, chúng ta có thể tự mình kiểm soát hoàn toàn, không cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa hay của luật lệ bên ngoài và những điều cấm kỵ. Thật ra, chúng ta có khuynh hướng xem thường bất cứ lực bên ngoài, tôn giáo hay trần tục, mà bất cứ cách kiểm duyệt hay hạn chế nào lại có thể kiểm duyệt và hạn chế tự do tuyệt đối không để cho năng lực chảy tuôn qua chúng ta. Người ta không quen tùng phục và quỳ gối. Chúng ta muốn tự mình quản lý năng lực.

Một phần điều này là một bước tốt và cần thiết trong sự trưởng thành nhân bản, phần khác nó lại đi ngược lại. Sự khước từ bất cứ kiểm duyệt bên ngoài nào đối với các hành động của chúng ta có thể là dấu hiệu của sự trưởng thành và cũng có thể là dấu hiệu to lớn của sự ấu trĩ, đứa trẻ đứng trên bục cao, đòi hỏi thế giới xoay quanh mình. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều trả giá cho việc muốn tự mình hoàn toàn quản lý đời mình, nhất là trả giá cho sự thiếu khả năng tìm ra ranh giới rạch ròi giữa chùng và căng. Điều này có nghĩa là khi hoàn toàn tự mình vượt ra khỏi các cấm kỵ cổ điển của xã hội và giáo hội, chúng ta lúc nào cũng bị dao động giữa việc xa nguồn năng lực sâu xa, bị chùng xuống, và không dung chứa một cách đúng đắn sự căng phồng. Rất hiếm khi chúng ta tìm được thăng bằng, luôn hoặc quá thấp hoặc quá cao, cảm thấy chết trong lòng hoặc không thể hành động hoặc không thể ngủ yên vì quá sinh động hoặc quá bồn chồn.

Dù hầu hết là thế, trong cuộc chiến này, chính sự suy thoái tinh thần và cảm giác chết trong lòng mới là vấn đề lớn. Nói chung ngày nay, trong thế giới Tây Phương, hầu hết người lớn chúng ta đều sống trong một loại suy thoái tinh thần kinh niên nào đó. Phải hiểu điều này thế nào?

Suy thoái tinh thần ở đây không có nghĩa là bệnh suy thoái tinh thần về mặt thể lý nhưng nó mang một tích cách rộng lớn hơn. Suy thoái tinh thần là gì? Trong trường hợp này, đôi lúc phải hiểu sự việc qua những điều trái ngược với nó thì có thể hữu ích hơn. Cách tự nhiên, chúng ta có khuynh hướng nghĩ về điều trái ngược với suy thoái tinh thần là vui vẻ, lạc quan, tiệc tùng, vui chơi. Nhưng không nhất thiết và cũng không phải thường thường là như vậy.

Một tính khí lạc quan, lạc quan một cách bạo dạn và lối suy nghĩ tích cực thường là triệu chứng của một suy thoái tinh thần ẩn giấu, loại bệnh tâm thần phân liệt của một anh hề, trái ngược với nó là sự vui vẻ đích thực trong cuộc sống. Chúng ta thường thấy một loại lạc quan hời hợt có tính bệnh hoạn, niềm vui gượng ép, năng lực giả tạo của loại phù phép suy nghĩ tích cực.

Ngược lại với suy thoái tinh thần là vui sống, hồn nhiên kinh ngạc trước sự tốt lành và nét đẹp của cuộc sống. Điều này không phải là điều không bao giờ tìm ra được trong đời sống. Như các nhà minh triết và thánh đức từng nói, đó là sản phẩm phụ của một thứ gì khác. Là một cái gì đó xảy đến với chúng ta và là điều, chúng ta không bao giờ tự mình khơi cho nó xảy ra được. Như C.S. Lewis đề xuất trong tựa đề cuốn tự truyện Ngạc nhiên bởi Niềm vui, Surprised by Joy, niềm vui sống chớp lấy chúng ta cách bất ngờ ở nơi mà chúng ta không nghĩ mình hạnh phúc. Lời kinh nổi tiếng cửa Thánh Phanxicô Assisi nhấn mạnh rằng chính trong việc cho đi mà chúng ta nhận lãnh, cũng đề xuất một điều như thế.

Đây là ý nghĩa của thế nào là không suy thoái tinh thần. Hãy tưởng tượng vào một ngày nào đó trong tuần, khi bạn ra xe, hoặc đang đứng chờ xe buýt, đang nấu ăn, ngồi làm việc hay làm một cái gì đó hoàn toàn bình thường. Đột nhiên, không có lý do nào rõ rệt, bạn cảm thấy được sống là một điều tốt, vui và đẹp. Bạn cảm nhận cuộc đời, tâm hồn, trí óc, thân xác, tính dục, người thân quen, những gì bạn liên hệ, bỗng bạn cảm thấy tràn ngập lời tung hô: “Lạy Chúa, cuộc sống tuyệt vời biết bao!” Đó là vui sống, là ý nghĩa thế nào là không suy thoái tinh thần.

Nhưng chúng ta có thường cảm thấy như vậy không? Đa số người lớn hiếm khi có kinh nghiệm này. Năm này qua tháng nọ, suốt cuộc sống, chúng ta có thể là người tình dễ thương, tinh tế, quảng đại, tích cực, xây dựng, sôi nổi, người vợ/chồng, cha/mẹ tốt, nhân viên đáng tin cậy, người bạn biết cho đi, siêng năng đi lễ đọc kinh cầu nguyện, nhưng chưa một lần trong những năm tháng này, chúng ta nếm được một ngụm hồn nhiên vui sống. Nó xảy ra trong mọi lúc. Niềm vui sống rất hiếm nơi người lớn, nhưng ở trẻ con thì không. Nếu muốn xem niềm vui sống như thế nào, bạn cứ đến sân trường giờ ra chơi, bất cứ trường mẫu giáo, tiểu học nào. Chúng chỉ đơn thuần chạy vòng vòng la hét. Và đó là vui sống. Và đó là sự đáp trả trước sự tốt lành và vẻ đẹp của cuộc sống, không phải là những cuộn băng của một ai đó bán ra để trưng bày lối suy nghĩ tích cực, kiểu thế nào là không-suy-thoái. Khi bạn thấy một đứa trẻ ngồi trên chiếc ghế cao, vừa ăn vừa la hét vừa quăng mứt vung vãi khắp phòng, bạn ở trong nhóm vui sống và ngoài trẻ con ra, bạn đang ở trong một nhóm nào đó cực kỳ hiếm. Trong văn hóa Tây phương, tiếng la hét vui đùa của trẻ con thường làm chúng ta bực mình vì cũng như suy thoái tinh thần, nó quấy rầy chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta đã bịa ra một thuật ngữ, tính hiếu động thái quá, để lương tâm khỏi áy náy khi chúng ta bình thản dập tắt niềm vui sống hồn nhiên nơi nhiều đứa con của chúng ta.

Chúng ta chiến đấu với sự suy thoái tinh thần, với việc tiếp cận cách thích hợp các năng lực của chúng ta, nhưng như đã nói, chúng ta còn có vấn đề ngược lại nữa. Chúng ta nghiêng về việc căng phồng, bản thân quá ngập tràn, trở nên bị chiếm hữu bởi năng lực, vì thế không chắc chúng ta là những ứng viên có thể bắt gặp được niềm vui sống. Đôi lúc chúng ta không bị suy thoái tinh thần, nhưng, buồn thay, những lúc này bản thân tự tôn quá của chúng ta lại là mối đe dọa cho gia đình, bạn bè, cộng đồng, và chính mình. Chúng ta có vấn đề cả hai mặt, tiếp cận và dung chứa năng lực.

Trong nền văn hóa của chúng ta, hiếm có ai tìm ra sự cân bằng giữa sự khẳng định chính mình với quên mình, giữa tính ích kỷ và vị tha, giữa sự tự phát triển và dấn thân, giữa tính sáng tạo và hy sinh, giữa tính quá nghiêm khắc và quá dễ dãi với chính mình, giữa việc trở nên quá cao hay quá thấp, giữa sự lệ thuộc dai dẳng và tính độc lập thiếu lành mạnh, giữa việc quỳ gối vâng phục ấu trĩ và thái độ hủy hoại dứt khoát của Lucifer: “Tôi sẽ không phục vụ.”

Sự thăng bằng mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm nằm ở tương quan thích ứng với năng lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo, tình ái và thiêng liêng – và những năng lực này là một và giống nhau. Linh đạo nói về những con đường, những nguyên tắc thích hợp qua đó chúng ta có thể tiếp cận và dung chứa năng lực đó. Trong cuộc đấu tranh để trưởng thành và vượt ra khỏi những gì bị cho là tiếp cận ấu trĩ và tuân thủ pháp luật cách tuyệt đối trong quá khứ, thời đại chúng ta ngây ngô bắt đầu tin rằng chúng ta đã thực sự hiểu năng lực này, có thể kiểm soát nó và chúng ta chỉ cần rất ít hoặc chẳng cần sự giúp đỡ bên ngoài để đương đầu với nó.

Theo tôi, sự ngây ngô này là một trong những khối đổ nát thiêng liêng lớn của thời đại chúng ta. Đối với việc hiểu năng lực thiêng liêng và tương quan giữa nó với mình, chúng ta không thể nào giống như trẻ vị thành niên có cơ thể bừng bừng năng lực kích thích tố và cảm thấy mình có tầm cao với tạo dựng để đương đầu với căng thẳng này mà không cần luật lệ hoặc hướng dẫn của người lớn tuổi. Như chúng ta biết, ngây ngô theo kiểu đó thì vừa kiêu căng vừa nguy hiểm. Những ngọn lửa bừng cháy trong chúng ta đầy quyền lực hơn chúng ta ngây ngô tưỏng. Khi coi thường chúng, nghĩ những ngọn lửa này là những ngọn lửa quen thuộc trong nhà, mình có thể chế ngự chúng, thì rốt cuộc hoặc chúng ta bị chùng hoặc chúng ta bị căng. Tôi xin đưa ra một ví dụ cho thấy sự ngây ngô về sức mạnh của năng lực tình dục có thể làm cho chúng ta bị chùng.

Cách đây vài năm, đài truyền hình CBC phát một vở kịch kể chuyện ba cặp vợ chồng tuổi trung niên từ Ontario đi cắm trại hè với nhau. Kỳ nghĩ được dự trù như một cuộc phiêu lưu của những người tuổi trung niên, một cuộc hội ngộ của các người bạn cũ đã nuôi con hai mươi lăm năm, đã trả xong nợ nhà, đã làm xong bổn phận công dân, giáo hội. Bây giờ sau bao nhiêu năm ràng buộc với bổn phận, con cái ít nhiều đã trưởng thành, cuối cùng họ có thì giờ cho nhau, du hành xuyên xứ sở và nối lại tình bạn ngày xưa.

Họ thuê loại xe có phòng ngủ di động, mang theo thức ăn và đồ uống, giao nhà cho con cái tạm thời trông coi, họ thu xếp đi nghỉ một tháng mà trước đây họ chưa từng đi nghỉ.

Kỳ nghỉ khởi sự tốt đẹp. Hai ngày đêm đầu tiên, tinh thần lên cao, đầy tiếng cười đùa, và các cuộc trò chuyện ở bàn ăn nghe có vẻ như là: “Như thế không tuyệt sao! Họp mặt lại với nhau như thế này không tuyệt sao! Có tự do, tiền, và thì giờ chỉ để cùng thưởng thức và ngắm vùng quê theo kiểu này không tuyệt sao!” Ngay cả thời tiết cũng tuyệt.

Nhưng điều này thay đổi vào đêm thứ ba. Dừng chân trên một bãi đất cắm trại gần khu nghĩ mát, khi ngồi quanh lửa trại giữa đêm khuya, họ thấy bãi đất đầy giới trẻ. Một băng cuồng nhiệt tụ tập, nhạc rock ầm ĩ, rượu và thuốc đủ loại, các cặp làm tình khá công khai giữa các bụi cây. Mới đầu họ ngồi bên nhau quanh đống lửa của mình, ba cặp vợ chồng nói những điều mà các cặp vợ chồng trung niên nào cũng có thể nói trong hoàn cảnh tương tự: “Thế giới này là gì? Ai nuôi dạy bọn trẻ này?”

Cái mà họ không nhận ra là những chuyện sống sượng sơ khai này cũng là những chuyện đã có trong lòng họ. Từ đó trở đi, căn bản là cho đến cuối chuyến đi chơi một tháng của họ, ai cũng bị chùng xuống. Sự thích thú thực sự của chuyến đi, cảm giác tự do vui sống qua đi, sự vui đùa hài hước của những ngày đầu nhường bước cho sự thinh lặng và cảm giác về cuộc hôn nhân của họ, về cơ thể, về chuyện tình dục, con cái, đời sống nói chung vốn thường làm cho họ cãi nhau và không vui.

Điều gì đã xảy ra ở đây? Họ đã có một kinh nghiệm ban đầu về những gì mà Jung có ý khi nói, năng lực thì không thân thiện. Trong trường hợp này đó là một kinh nghiệm về tác động tiêu cực của việc khiêu dâm. Vấn đề với khiêu dâm không phải là cái gì sai khi nhìn cảnh làm tình. Tình dục không bẩn thỉu hay tội lỗi. Vấn đề khiêu dâm nằm ở chỗ nó quá khiêu khích các năng lực tình dục nguyên trạng của chúng ta, không cho chúng ta chọn lựa nào ngoài việc thể hiện các năng lực đó (như một thần nam hay thần nữ trong thần thoại có thể làm, không kiềm chế hay giới hạn) hoặc rơi vào trạng thái chùng xuống, chính xác là, khởi động những động cơ làm mát bên trong chúng ta, chận đứng các năng lực này, rồi ì èo trong sự hụt hẫng rối bòng bong khi chúng nguội dần.

Nền văn hóa của chúng ta quá ngây ngô về uy quyền của năng lực. Chúng ta không thấy gì sai khi để cho mình tiếp cận nó trong toàn bộ trần trụi của nó. Chúng ta đi một chiều, năng lực tình dục thì tốt, không có gì sai khi Aphrodite và Eros làm tình dưới cây. Điều gây nên vấn đề, đây không phải là một sự kiện đáng để xem. Nó quá thô sơ. Tình yêu phải làm đằng sau cánh cửa đóng kín. Mỗi xã hội đều có những điều cấm kỵ về tính dục, về việc sở hữu nó và phô bày nó. Sự khôn ngoan trong việc phô bày, trước hết và nhất là, không phải là vấn đề luân lý và tội lỗi. Mà là việc bảo vệ linh hồn khỏi thứ bất hạnh mà ba cặp vợ chồng Ontario của chúng ta trải nghiệm sau khi họ tận mắt thấy Aphrodite và Eros dưới lùm cây.

Sự thật về điều này liên quan không những chỉ sự khiêu dâm và tính dục nhưng còn liên quan đến bất cứ điều gì quá trần trụi đến độ kích thích quá mức các năng lực của chúng ta. Năng lực thì tối thượng, không phải theo kiểu tàn bạo của nhà độc tài dữ tợn, nhưng với sức mạnh quá mức của một tác nhân thần thiêng. Năng lực bên trong chúng ta đơn giản là quá cằn cỗi khi chúng ta cố gắng đương đầu với nó mà không có kính trọng thích hợp, bảo vệ, những điều cấm kỵ, và sự suy tư, thì chúng ta sẽ sớm thấy mình bị tước bỏ hết mọi niềm vui và phấn khởi. Khơi kênh tình yêu cách đúng đắn thì trước hết và nhất là, không phải là tội lỗi và luân lý, mà là liệu chúng ta, như những cặp vợ chồng Ontario, có ngồi ăn buổi tối trong niềm vui sống hay bị chùng xuống.

Ngược lại, sự ngây ngô về năng lực thiêng liêng và dục tính làm chúng ta bị căng phồng như thế nào?

Một ví dụ rõ ràng ở đây là ví dụ về sự thờ phượng tôn giáo. Vấn đề của việc thờ phượng tôn giáo không phải là việc không chân thành hay năng lực mà nó tiếp cận và dung chứa là không thật. Ngược lại thì đúng hơn. Vấn đề là, theo định nghĩa, thờ phượng là cố gắng tiếp cận với thần thiêng, thần thiêng thật sự, khi tiếp cận mà không suy ngẫm và tôn kính thích hợp thì cũng như người cắm con dao vào ổ cắm điện 220-vôn, hiệu quả là có thật nhưng bạn bị nướng cho đến chết. Chính xác đó là những gì xảy ra cho việc thờ phượng tôn giáo, như có thể thấy trong những gì đã xảy ra cho David Koresh và môn đồ của ông ở Waco và các thành viên tà phái Đền Thờ Mặt Trời ở Thụy Sĩ và Canada. Không phải ngẫu nhiên khi các người trong các tà phái này thường bị chết và lại chết do lửa. Năng lực thiêng liêng là lửa, lửa nóng nhất trong tất cả các thứ lửa, và những người quá ngây ngô đùa với thứ lửa đó bị thiêu cháy.

David Koresh, người đứng đầu Davidian Cult ở Waco, Texas, dự trữ súng máy, ngủ với tất cả phụ nữ trong nhóm vì cho mình có quyền thần thiêng, và hứa hẹn, chỉ có ông, một mình ông mới vén mở các bí mật sâu kín nhất của Chúa và của cuộc sống, ông là nguyên bản của sự căng phồng, của người bị chiếm hữu cách nguy hiểm bởi năng lực và bởi những gì tạo nên cái bản ngã của ông. Việc ông bay lên trong quả bóng lửa thì không có gì ngạc nhiên về mặt Thánh Kinh.

Thánh Kinh dạy chúng ta rằng không ai có thể thấy Chúa mà còn sống. Khi Mô-sê xin thấy Chúa, thì Chúa bảo ông đứng trong khe đá và Chúa sẽ che mặt ông khi Ngài đi qua và ông sẽ nhìn thấy lưng Ngài-nhưng không bao giờ nhìn thấy mặt Ngài! Đó là ngôn ngữ siêu hình, cảnh báo chúng ta rằng năng lực thần thiêng (và mọi năng lực tối hậu là thần thiêng) phải được tiếp cận cách cẩn  thận, với đôi chân trần. Để nó thông ban sự sống cho chúng ta, thì phải có một sự quỳ gối trước đó, một hiểu biết rõ ràng rằng nó tách khỏi chúng ta, và phải cẩn thận, tôn kính khi tiếp cận nó. Luân lý cổ và những điều cấm kỵ tôn giáo cổ, cũng như các nghi thức phụng vụ cổ điển, dù mắc phải lỗi gì, vẫn cố gắng dạy chúng ta điều này. Như Annie Dillard bảo “Tôi thường hay nghĩ về các bộ kinh phụng vụ mà một vài chữ được tín hữu dâng lên Thiên Chúa một cách thành công mà không làm họ bị giết chết”.  David Koresh có lẽ sẽ còn sống nếu ông hiểu được điều này.

Đời sống thiêng liêng, là biết thích ứng đương đầu với ngọn lửa đó, các năng lực mạnh mẽ đó chảy xuyên qua chúng ta. Chúng ta đấu tranh vì chúng ta ngây ngô và đánh giá thấp vừa nguồn gốc vừa sức mạnh của ngọn lửa này. Chúng ta nghĩ rằng năng lực là của mình, nhưng không phải thế. Chúng ta nghĩ mình có thể, hoàn toàn tự mình kiểm soát nó, nhưng chúng ta không thể. Có một sự điên rồ trong chúng ta xuất phát từ thần thiêng, nếu chúng ta không tôn trọng nó và không mang nó về với nguồn thần thiêng của nó thì chúng ta sẽ mãi mãi hoặc quá bồn chồn hoặc quá suy thoái để mãi mãi không hưởng trọn vẹn niềm vui sống. Hoặc chúng ta là phiên bản nho nhỏ nào đó của David Koresh, đoan chắc rằng mình là Chúa.

Nguyễn Kim Long dịch