|
Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (2/8) Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser Hướng đến Linh đạo về Hội Thánh – Hình tượng thiêng liêng của Giáo hội Giáo hội là những con người …. Cộng đoàn Tông đồ Trước hết tất cả, giáo hội là những con người. Rất lâu trước khi nói đến những công trình, giáo bộ, linh mục, giám mục, giáo hoàng, các tổ chức, các thể chế, luật luân lý, chúng ta phải nói đến một cộng đồng của những con tim và tâm hồn, trước đây phân rẽ bởi nhiều thứ, bây giờ phải đi đến với nhau. Chúa Giêsu đã tạo lập một cộng đoàn chung quanh Ngài, hướng dẫn và để lại cho cộng đoàn lời của Ngài, Thần khí của Ngài, và phép Thánh Thể. Cộng đoàn đó là giáo hội và đó là một hình thức cộng đoàn đặc thù, một cộng đoàn tông đồ. Một cộng đoàn tông đồ là gì? Điều gì cấu thành nên giáo hội? Có quá nhiều hiểu lầm về điều này, cho nên để làm rõ ra, tốt nhất là tiếp cận qua những điểm nói rõ lên cái gì không phải là cộng đoàn giáo hội. Cộng đoàn giáo hội, dù nó có một vài khía cạnh này, và những khía cạnh này có thể góp một vài điểm tích cực, nhưng cốt yếu, giáo hội không là bất cứ khía cạnh nào trong những cái sau đây: Như những cá nhân sẵn lòng quy tụ lại với nhau trên nền tảng hỗ tương qua lại Đây là một hiểu lầm phổ biến, sự quy tụ lại thành giáo hội thì có ít điểm hoặc không có điểm nào giống như việc đi tìm người tương hợp. Nhóm các môn đệ đầu tiên quy tụ quanh Chúa Giêsu hoàn toàn không phải là những người tương hợp với nhau. Họ khác nhau về trình độ và tính khí, có quan điểm khác nhau về hình ảnh Chúa Giêsu, ghen tị nhau, và như Kinh Thánh viết, đôi khi giận dữ nhau. Họ yêu mến nhau, theo nghĩa kinh thánh của cụm từ đó, nhưng họ không nhất thiết giống nhau, giống như cách nói của một thành viên trong giáo hội nói với người cùng đạo đã làm cô ấy bực mình liên tục: “Janice, tôi yêu bạn cách hoàn toàn siêu nhiên, tôi có thể đoan chắc như vậy!” Đó là những gì người ta gọi là giáo hội. Thông thường chúng ta thất vọng về giáo hội, vì chúng ta thấy đó là một tập hợp linh tinh và pha tạp những con người, một số không thích chúng ta và một số thì chúng ta chẳng bao giờ chọn để làm bạn. Chúng ta đi nhà thờ để tìm tình bạn và tìm tri âm trong tư tưởng, và thường thì chúng ta không thể tìm thấy. Điều này không nhất thiết có nghĩa là có gì không đúng trong giáo hội, chỉ đơn giản là chúng ta đã kỳ vọng sai. Ở trong cộng đoàn tông đồ, giáo hội không nhất thiết phải có những người chúng ta tương hợp về xúc cảm, tư tưởng, hay những điều khác. Thay vào đó là cùng đứng bên nhau, vai kề vai, tay trong tay, chính xác là với những người rất khác chúng ta và, với họ, cùng nghe một lời, cùng tuyên xưng đức tin, cùng chia sẻ tấm bánh và tha thứ cho nhau, nhờ đó khắc phục được các bất đồng của chúng ta và có cùng một quả tim. Giáo Hội không gồm một số ít người giống nhau về suy nghĩ hội lại để nâng đỡ nhau, đó là hàng triệu triệu người khác nhau, họ vượt qua khác biệt để thành một cộng đoàn, vượt trên tính khí, chủng tộc, ý thức hệ, giới tính, ngôn ngữ và trình độ. Hỗn loạn trong sợ hãi và cô đơn Tương tự, cộng đoàn tông đồ không phải là một nhóm người hỗn loạn trong sợ hãi hay cô đơn, – “bạn và tôi, cùng nhau chống lại thế giới” – như thỉnh thoảng chúng ta thấy hai người sợ sệt kết hôn với nhau hay sự thành lập các tà phái nhỏ vì sợ. Trong phúc âm thánh Gioan và trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy kiểu cộng đoàn sai lầm này nơi các môn đệ trước khi Chúa Thánh Thần ngự xuống.5 Họ “dao động trong căn phòng khóa kín, và đầy sợ hãi.” Trong tình trạng đó, họ đến với nhau bằng xương bằng thịt dưới một mái nhà, nhưng đó không phải là một cộng đoàn thực sự. Nhưng trớ trêu thay, sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống vào Lễ Ngũ Tuần, từ căn phòng đó, họ bùng ra một sức mạnh, họ đi đến những nơi xa cách trên thế giới, và một số không bao giờ gặp lại nhau, khi đó họ có một cộng đoàn đích thực. Cộng đoàn tông đồ không nối kết bởi những người có cùng nỗi sợ, muốn dựa nhau để phòng chống các đe dọa. Cộng đoàn tông đồ được nối kết khi, dựa trên nền tảng của một cái gì mạnh hơn nỗi sợ chúng ta, chúng ta ra khỏi cánh cửa đóng kín và phá bỏ bức tường của mình. Như cha Henri Nouwen đã mô tả rất đúng điều này: “Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ đang dao động trong sự sợ hãi, họ bình tâm, tự do ra khỏi căn phòng đóng kín để bước vào thế giới. Cho đến khi nào họ vẫn còn tập hợp nhau trong sợ hãi thì họ không thành lập được cộng đoàn. Nhưng khi họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, họ trở nên một thân thể tập hợp những con người có thể sẻ chia cảm thông với nhau ngay cả khi họ ở xa nhau, từ La Mã đến Giê-ru-sa-lem. Vì vậy, khi Chúa Thánh Thần hiệp nhất chúng ta trong cộng đoàn, chứ không phải nỗi sợ kết hợp chúng ta, thì không gian, thời gian không thể nào phân rẽ chúng ta.”6 Khi một số người cô đơn và sợ hãi tụ lại với nhau để chống lại thế giới thì không bao giờ có được một cộng đoàn tông đồ. “Gia đình” trong nghĩa tâm lý Vài năm trước có một thanh niên gia nhập dòng Anh Em Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cộng đoàn tôn giáo mà tôi là một thành viên. Anh là một người trẻ rất có lý tưởng, nhưng lại rất thiếu thốn về cảm xúc. Qua nhiều thời gian, tại những buổi họp cộng đoàn của chúng tôi, anh phàn nàn về sự thiếu tính cộng đoàn với kiểu điệp khúc: “Tôi vào dòng này để đi tìm một cộng đoàn, nhưng ai cũng quá bận rộn, không ai có thì giờ cho tôi. Chúng ta không chia sẻ đủ sâu sắc với nhau. Không có tình thân mật thực sự giữa chúng ta. Chúng ta quá lạnh lẽo, quá đàn ông. Tôi mãi mãi cô đơn và không ai quan tâm đủ!” Anh nói đúng về mặt cộng đoàn. Không có cộng đòan tôn giáo nào là hoàn hảo và cộng đoàn chúng tôi lại càng không hoàn hảo, nhưng đó không phải là vấn đề chính đích thực của anh, mà là kỳ vọng sai lầm. Cuối cùng anh đi tham vấn. Người hướng dẫn, một linh mục-tâm lý gia có các hiểu biết về các năng lực của cộng đoàn tôn giáo, cha đã giúp anh thấy rõ sự việc và nói với anh: “Những gì con đang thực sự tìm kiếm thì sẽ không tìm thấy được trong một nhóm tôn giáo. Con đang đi tìm người yêu, chứ không phải một cộng đoàn tôn giáo.” Chúng ta thường nhầm lẫn cộng đoàn giáo hội với gia đình trong suy nghĩ tâm lý-tính dục. Nó làm cho chúng ta thất vọng khôn nguôi. Chúng ta nói về giáo hội như một gia đình, nhưng đó không phải gia đình như kiểu gia đình gồm người chồng, người vợ và con cái. Một gia đình trong suy nghĩ tâm lý-tính dục thông thường được xây nên bởi hai con người đến với nhau trong tình yêu, có liên hệ tính dục và cuối cùng có con với nhau. Trong khuôn khổ đó, bao gồm tính dục, một loạt lớn các nhu cầu căn gốc có thể được đáp ứng mà những dạng thức gia đình khác không thể đáp ứng được. Có lẽ một vài nhà thần bí, như thánh nữ Têrêxa thành Avila, người có lúc rơi vào trạng thái xuất thần của xúc cảm và thể xác sau khi nhận thông hiệp linh thiêng, sẽ tìm thấy sự tròn đầy của nhu cầu xúc cảm cũng như thân mật mang tính tính dục trong lòng giáo hội. Họ là những trường hợp ngoại lệ. Phần còn lại trong chúng ta đến với giáo hội để tìm kiếm một cái gì khác. Cộng đoàn giáo hội không bao giờ là một thay thế cho chức năng của cảm xúc thân mật và tính dục. Giáo hội không có xu hướng trở nên như vậy. Người ta không nên đến với giáo hội để tìm một người tình. Nhớ đến điều này sẽ làm chúng ta khỏe khi chúng ta phàn nàn rằng giáo hội quá lớn, quá phi nhân, và không khi nào chúng ta tìm được ấm áp và nâng đỡ cảm tình mà đúng lý chúng ta có quyền khao khát và cần có. Câu hỏi thường gặp là “Làm sao tôi cảm thấy ấm áp và thân mật khi ở trong nhà thờ với sáu trăm người khác?” Nếu đức tin của chúng ta đúng, và tôi tin như vậy, thì phần số chúng ta là hưởng được đời sống vĩnh cửu với hàng tỷ tỷ người. Thờ phượng trong một nhóm rất đông người là một cách tốt để thực hành điều đó. Nguyễn Kim Long dịch |