Cắm rễ trong lòng nhân hậu của Chúa 


 

Cắm rễ trong lòng nhân hậu của Chúa

Ronald Rolheiser, 2019-12-02

Chúa Giêsu sẽ làm gì trong trường hợp này? Đối với một số tín hữu kitô, đó là câu trả lời dễ dàng cho mọi câu hỏi. Trong mỗi tình huống, chúng ta chỉ cần hỏi: Chúa Giêsu sẽ làm gì?

Ở một mức độ sâu sắc, đó là điều đúng. Chúa Giêsu là tiêu chí tối thượng. Ngài là đường, là sự thật và là sự sống, tất cả những gì đi ngược điều này đều không phải là con đường dẫn đến với Chúa. Tuy nhiên, tôi nghĩ rất nhiều người trong chúng ta sẽ dị ứng qua cách trả lời này, lời nói thường biểu hiện một cách quá đơn giản, như một chủ nghĩa cơ bản khó mà tiêu hóa nổi. Nhiều lúc bực bội về kiểu này, chúng ta chỉ muốn nói: Chúa Giêsu chẳng liên quan gì đến chuyện này! Nhưng dĩ nhiên, khi những chữ này vừa vuột ra khỏi miệng, chúng ta nhận ra ngay câu nói này tệ quá sức! Chúa Giêsu quá liên quan đến các vấn đề thần học, giáo hội hay phụng vụ dù nó phức tạp đến như thế nào. Dĩ nhiên nguy cơ của chủ nghĩa cơ bản là ở đây; nhưng cũng nguy hiểm không kém khi trả lời các câu hỏi thần học, giáo hội, phụng vụ mà không xem xét xem Chúa Giêsu sẽ làm gì trong trường hợp này. Ngài luôn và vẫn mãi mãi là một tiêu chí bất di bất dịch.

Nhưng nếu Chúa Giêsu là một tiêu chí bất di bất dịch thì Ngài không đơn giản. Vậy Chúa Giêsu đã làm gì? Khi nhìn cuộc đời của Ngài, chúng ta thấy đôi khi Ngài làm các chuyện theo cách này, đôi khi theo cách khác, lại có khi Ngài bắt đầu làm một chuyện theo hướng này, và cuối cùng Ngài thay đổi ý kiến và làm theo cách khác, như chúng ta thấy trong việc Ngài đối xử với bà xứ Xyri-Phênixi (Mc 7, 24-30). Đó là lý do vì sao tôi ngờ trong kitô giáo có rất nhiều danh xưng, nhiều linh đạo và cách thờ phượng khác nhau, mỗi người có cách chú giải về Chúa Giêsu riêng của mình. Chúa Giêsu là phức tạp.

Với sự phức tạp của Chúa Giêsu, không phải tình cờ mà các thần học gia, các nhà thuyết giảng, các nhà hướng dẫn thiêng liêng thường tìm trong con người của Ngài và trong lời dạy của Ngài các phuơng cách nào phản ánh nhiều hơn cách mà họ xử lý tình huống không theo kiểu của Ngài. Chúng ta thấy điều này khắp nơi trong các nhà thờ, tôi nói điều này với cảm thông chứ không phán xét. Không ai trong chúng ta hiểu đúng hoàn toàn về Chúa Giêsu.

Thế thì chuyện này khiến chúng ta phải như thế nào? Chúng ta có đơn giản tin tưởng vào sự giải thích riêng của mình về Chúa Giêsu không? Chúng ta có dựa vào thẩm quyền giáo hội hay học thuật mà không phân định và chúng ta có tin chắc rằng nó sẽ cho chúng ta biết về Chúa Giêsu sẽ làm gì trong mọi tình huống không? Có thể nào có một “con đường thứ ba không?”

Có một “con đường thứ ba”, con đường của đa số các phái kitô giáo, trong đó chúng ta đặt các giải thích riêng của mình theo truyền thống giáo luật của giáo hội, và chúng ta chấp nhận – dù không mù quáng và không chỉ trích- vâng lời và theo giải thích của cộng đoàn lớn hơn, lịch sử lâu đời hơn, kinh nghiệm rộng lớn hơn, khiêm tốn chấp nhận, dù có thể ngây thơ (và kiêu ngạo) khép mình trong 2000 năm kinh nghiệm kitô giáo, để tin rằng sự thấu suốt của chúng ta về Chúa Giêsu là một sự điều chỉnh cần thiết cho một tầm nhìn đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người qua bao nhiêu thế kỷ.

Tuy nhiên chúng ta không mang các tiếng gọi của lương tâm mình, các câu hỏi quan trọng của mình, các dị ứng của một số điều nào đó, các vết thương của chúng ta đến cửa nhà thờ. Cuối cùng, tất cả chúng ta phải trung thành với chính lương tâm của mình, trung thành với các hiểu biết cụ thể mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và quan tâm đến các tổn thương mà chúng ta mang. Các ân sủng và tổn thương của chúng ta đều phải được lắng nghe, cũng như các tiếng nói sâu đậm nhất trong lương tâm chúng ta cũng cần phải được xem xét khi chúng ta hỏi: Chúa Giêsu sẽ làm gì?

Chúng ta phải trả lời câu hỏi này cho chính chúng ta bây giờ và phải chịu căng thẳng giữa vâng lời giáo hội và không phản bội với tiếng nói phê phán trong lương tâm riêng của mình. Nếu chúng ta trung thực làm điều này, cuối cùng mọi sự sẽ biến đổi tuyệt đối trong chúng ta: Thiên Chúa cực tốt cực lành! Tất cả những gì Chúa Giêsu giảng dạy và nhập thể đều được xây dựng trên sự thật này. Tất cả những gì gây thỏa hiệp hay nói ngược lại, dù đó là nhà thờ, là thần học, là thực hành phụng vụ hay linh đạo đều là sai. Và bất kỳ tiếng nói nào trong giáo điều hay trong lương tâm riêng đi ngược với điều này cũng là sai.

Làm thế nào chúng ta nhận thức các sắc màu của Chúa cho điều tốt cũng như điều xấu trong việc giữ đạo của chúng ta. Và trên tất cả, Chúa Giêsu đã mạc khải điều này về Thiên Chúa: Thiên Chúa là cực tốt cực lành. Sự thật này phải được xây dựng trên tất cả, cho nhà thờ, cho thần học, cho linh đạo, cho phụng vụ và cho sự thấu cảm của chúng ta về người khác. Đáng buồn thay, điều này lại không được như vậy. Nỗi sợ Chúa không tốt bị ngụy trang một cách tinh tế, nhưng luôn được biểu lộ bất cứ khi nào, trong các lời giảng dạy của chúng ta hay trong việc giữ đạo, bằng cách nào đó làm cho Chúa trên trời thành không thấu hiểu, không thương xót, mù quáng, không vô điều kiện trong tình yêu như Chúa Giêsu ở trần gian. Đó cũng là biểu hiện bất cứ khi nào chúng ta sợ chúng ta ban phát quá nhiều ân sủng nhưng không và làm cho Chúa trở nên dễ gần.

Đáng buồn thay, Thiên Chúa mà chúng ta gặp trong các nhà thờ ngày nay thường quá hẹp hòi, quá tàn nhẫn, quá bộ tộc, quá nhỏ mọn và quá không đáng tin để xứng đáng với Chúa Giêsu… hoặc tâm hồn chúng ta đầu hàng.

Chúa Giêsu sẽ làm gì? Phải công nhận câu hỏi rất phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng chúng ta sẽ có câu trả lời sai bất cứ khi nào chúng ta làm điều không tốt cho Chúa, khi chúng ta đặt điều kiện cho một tình yêu không điều kiện, và mỗi khi, một cách tinh tế chúng ta chận đường đến với Chúa, đến với lòng thương xót của Ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch