|
Cội rễ của những xung đột và khác biệt Ronald Rolheiser, 2021-04-19 Vì sao những người chân thành lại thường thấy mình không hợp với những người khác? Vấn đề ở đây không phải là do sự chân thành gặp phải sự thiếu chân thành hay dối trá. Không phải thế. Vấn đề là tại sao những người chân thành, kính sợ Thiên Chúa lại có thể thấy mình cực kỳ lạc lõng với những người khác. Trong tự thuật của tác giả Hy Lạp Nikos Kazantzakis có một đoạn rất thú vị, mang một ý nghĩa khai mở sâu xa hơn hẳn những gì chúng ta cảm được khi mới đọc qua. Khi bình luận về thần thoại Hy Lạp và nhiều xung đột giữa các thần, Kazantzakis viết như sau: “Các anh hùng trong những bi kịch Hy Lạp cổ đại chẳng khác gì những tay của thần Dionysus vung tán loạn tự đánh vào nhau. Chúng đánh vào nhau vì chúng là những mảnh rời. Mỗi mảnh chỉ đại diện cho một phần của thần tính, chúng chẳng phải là một vị thần toàn vẹn. Dionysus, vị thần toàn vẹn, vẫn đứng vững ở trọng tâm câu chuyện và kiểm soát sự ra đời, phát triển và những gay cấn của câu chuyện. Với những khán giả đã giác ngộ, tay chân tán loạn của Dionysus, dù đánh lẫn nhau, nhưng đã được kín đáo hợp nhất và hòa giải với Dionysus. Chúng tạo thành thân thể toàn vẹn của Dionysus và tạo nên sự hòa hợp”. Trong thần thoại Hy Lạp, thần Dionysus toàn vẹn chứa mọi mảnh thần tính vốn phân tán và hiện thân cụ thể trong các thần và con người khác nhau. Trong Dionysus, có sự hòa hợp, mọi thứ đều ăn khớp với nhau, nhưng bên ngoài bản thân thần thì các mảnh thần tính đa dạng vật lộn và đương cự lẫn nhau, luôn mãi căng thẳng và tranh giành quyền lực. Đấy là một hình ảnh ẩn dụ có thể soi rọi nhiều thứ. Một trong số đó có thể giúp chúng ta hiểu được cội rễ của nhiều xung đột giữa những người chân thành và tại sao lại có nhiều khác biệt về tôn giáo như thế. Nguyên do nào làm cho con người xung khắc nhau, dù họ không thiếu chân thành hay phạm tội, dù họ đều là những người lương thiện và kính sợ Thiên Chúa? Ngày nay, chúng ta nói về các khác biệt hệ tư tưởng, lịch sử, chính trị, câu chuyện cuộc đời để giải thích lý do vì sao người chân thành thường nhìn thế giới một cách khác biệt và không tương hợp với người khác. Chúng ta có cả một hệ thống để giải thích chuyện này. Tuy nhiên, tôi không chắc hệ thống đó (dù có đủ thứ biện luận đi nữa) có thể nắm bắt được cốt lõi của vấn đề này một cách rõ ràng bằng ẩn dụ thần thoại Hy Lạp nói trên. Xét cho cùng, chẳng phải chúng ta đều nắm lấy mảnh thần tính của mình và biến nó thành khởi đầu cũng như cùng đích mọi sự, chẳng hề chấp nhận rằng những người chiến đấu với chúng ta, họ cũng có một mảnh thần tính, và chúng ta đang lấy thần để đấu với thần đó sao? Xét đến tận cùng gốc rễ, chẳng phải đó chính là cái nền tảng cho căng thẳng giữa “bảo thủ” và “tự do”, giữa linh hồn và tinh thần, giữa trí óc với quả tim, giữa già và trẻ, giữa thân xác và linh hồn, giữa mọi thứ nhị nguyên khác đang chia rẽ chúng ta hay sao? Chẳng phải mỗi một người chúng ta đều có một mảnh thần tính đích thực và vì chẳng biết Thiên Chúa toàn vẹn là thế nào, nên chúng ta biến mảnh thần tính của mình thành lăng kính cho tất cả mọi sự hay sao? Chúng ta không phải là những “khán giả đã giác ngộ” như lời Kazantzakis, những người đã thấy được vị thần toàn vẹn để thấy rằng mọi mảnh đó xét cho cùng đều hòa hợp với nhau. Chính vì thế mà chúng ta cứ luôn mãi bất hòa. Cũng có thể rút từ hình ảnh này để có bài học về cách chúng ta nhìn nhận các tôn giáo khác. Khoảng năm 200, giáo phụ Clement thành Alexandria đã viết quyển sách với tựa đề Stromata, một từ Hy Lạp nghĩa là “phân tán”. Ý niệm của ngài (được trình bày cẩn thận theo lăng kính kitô giáo của ngài) là Thiên Chúa, dù được biểu lộ nơi Chúa Giêsu Kitô, nhưng cũng được “phân tán” nơi các tôn giáo khác và nơi tự nhiên. Ý của Thánh Clement cơ bản là, có những mảnh của Thiên Chúa nằm rải rác khắp nơi, dù cho ngài không nói rõ cách những mảnh riêng rẽ thần tính này thường hay xung khắc nhau. Gần đây, linh mục Raimondo Panikkar (qua đời năm 2010), một trong những bình luận gia lớn về thế giới tôn giáo, đã nhắc lại về ý niệm Thiên Chúa “phân tán” và áp dụng vào thế giới tôn giáo. Theo cha, những gì kitô giáo thấy có nơi Ba Ngôi, thật ra cũng đã được nhiều người thuộc các tôn giáo khác cảm nghiệm phần nào. Ví dụ như, một vài tín ngưỡng như Phật giáo chẳng hạn, tập trung vào cảm nghiệm kinh ngạc, kính sợ, phụ thuộc và tự lu mờ khi đối diện với “Thượng đế”. Với Panikkar, đây là những tôn giáo “Thiên Chúa là Cha”. Một vài đức tin khác, nhất là kitô giáo và cả do thái giáo, hồi giáo, đều nhấn mạnh rất rõ về “Thiên Chúa là Cha”, nhưng Thánh kinh của ba tôn giáo này và các tín ngưỡng khác lại có một nguyên lý nhập thể, một “Đức Kitô”. Chắc chắn một số tôn giáo như Đạo giáo và Ấn giáo tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm tinh thần, vào một “Thánh Linh”. Vì chúng ta, mỗi tôn giáo, mỗi người, đều nhấn mạnh một chiều kích nhất định của Thiên Chúa, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi dù chúng ta đều chân thành, nhưng lại chẳng hợp nhau. Và chính vì thế, nên chúng ta, những người kính sợ Thiên Chúa, lại thường không tương hợp nhau, nhưng cũng tốt khi biết và công nhận rằng một Thiên Chúa “toàn vẹn” đang đứng vô hình giữa trung tâm những xung khắc của chúng ta, nhìn những chân tay tán loạn của Ngài đấu đá nhau nhưng biết rằng đến tận cùng tất cả những mảnh phân tán này sẽ lại được hợp nhất trong hòa hợp. J.B. Thái Hòa dịch .
|